"36 phố phường" và những nét riêng không phải ai cũng biết
Phố Cổ Hà Nội được biết đến là di sản đô thị với 36 phố phường buôn bán sầm uất, gắn liền với các nghề truyền thống; nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử, nhiều lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long-Hà Nội.
Vì sao gọi là “36 phố phường”?
36 phố phường của Hà Nội từ lâu đã đi vào trong thơ ca, trong đó nổi tiếng nhất vẫn là bài vè cùng tên:
“Rủ nhau chơi khắp Long Thành
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai;
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay,
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy,
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn,
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng,
Hàng Muối, Hàng Nón, cầu Đông,
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè,
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Quanh đi đến phố Hàng Da,
Trải xem Hàng phố, thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền."
Cho đến nay, lịch sử hình thành của Hà Nội 36 phố phường vẫn đang được nghiên cứu. Luồng ý kiến phổ biến nhất hiện nay cho rằng nguồn gốc Phố Cổ Hà Nội bắt nguồn từ thời Lý Trần, khi cư dân các làng ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ tụ tập lại một nơi để cùng nhau kinh doanh. Lượng người, lượng hàng hóa buôn bán ngày càng trở nên đông đúc, hình thành nên xứ Kẻ Chợ sầm uất từ đó cho tới nay.
Tuy nhiên, tên gọi 36 phố phường vẫn là vấn đề đang gây tranh cãi nhất. Những ghi chép cũ trong sử sách vẫn có nhiều thông tin trái ngược nhau, thậm chí có nghiên cứu còn khẳng định con số “36 phố phường” chưa từng tồn tại.
Vậy con số 36 từ đâu ra vẫn là một điều bí ẩn. Nhưng chính sự bí ẩn đó lại tạo nên nét đặc trưng rất riêng của kinh thành Thăng Long xưa và của Phố Cổ Hà Nội ngày nay.
36 phố phường đã trở thành một biểu trưng của Hà Nội, với những con phố có tên gọi gắn với chữ “Hàng” chỉ một nghề thủ công đặc trưng mà những người dân tứ xứ mang tới đất kinh kỳ.
Nghề kim hoàn phố Hàng Bạc do người dân Châu Khê (Hải Dương) và Đồng Xâm (Thái Bình) mang về, nghề gò thiếc phố Hàng Thiếc do người làng Phú Thứ (huyện Hoài Đức, Hà Tây, nay là Hà Nội) đưa về, nghề làm thuốc đông y do người làng Đa Ngưu (Hưng Yên) đưa về…
Hiện nay, “36 phố phường” nằm ở phía Đông thành Hà Nội và cơ bản nằm trọn trong địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đa số nhà ở khu phố cổ vẫn là một tầng hoặc hai tầng, có mặt đứng giản dị được lợp bởi những viên ngói nhỏ xinh xắn gợi vẻ rêu phong và cổ kính.
Khu phố cổ là một hệ thống 121 di tích với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am… cùng hơn 200 công trình nhà ở có giá trị đặc biệt. Có thể kể đến những di tích nổi tiếng như ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc, đền Bạch Mã, đình Kim Ngân...
Cùng với đó, khu Phố Cổ Hà Nội chứa đựng các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn, từ nếp sống sinh hoạt của người dân, văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống…
Từ những giá trị đó, năm 2004, khu Phố Cổ Hà Nội đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.
Những điều thú vị chỉ có ở “36 phố phường”
Khu Phố Cổ Hà Nội ẩn chứa vô vàn điều thú vị, không chỉ với du khách nước ngoài, mà còn với cả chính những người dân đang sinh sống tại các khu vực khác nhau của Thủ đô Hà Nội.
Bức tranh ngày Tết
Có lẽ không nơi nào khiến du khách nước ngoài ngỡ ngàng hơn là sự “lột xác” kỳ diệu của khu Phố Cổ Hà Nội vào những ngày đầu Năm Mới Âm lịch.
Đến tận đêm 30, nơi nay vẫn tấp nập người đến kẻ đi, những cửa hàng vẫn tranh thủ mở đến giao thừa, thì chỉ trong sáng mùng 1 Tết, dường như khu phố cổ đã khoác một chiếc áo hoàn toàn khác. Tĩnh lặng, im ắng, chỉ lác đác một vài quán xá mở hàng, còn lại tất cả hoạt động đều như đang giấu đâu đó sau những cánh cửa đang đóng kín.
Đi dạo phố vào những thời khắc đó, người ta mới ngỡ ngàng nhận ra vẻ đẹp ngàn năm đang hiển hiện đâu đó trong những mái rêu cổ kính, những họa tiết trang trí tinh tế hàng trăm năm, những khung cửa sổ cổ kính ngự ở tầng cao, phía trên những mặt tiền cửa hàng lụp xụp cũ kỹ, những lối ngõ, gác xép chật hẹp vốn hàng ngày bị che mờ bởi lượng người, xe tấp nập qua lại.
“Mê cung” đường phố
Có lẽ những người sống quen sống ở các con phố lớn ở những khu vực khác của Hà Nội sẽ thấy đôi chút thú vị khi thấy một người đang chỉ đường đi bộ rằng: “Rẽ phải, đi hết Hàng Thiếc thì đến Hàng Nón.”
Nếu đường phố trở thành một không gian gắn liền với cuộc sống trong khu phố cổ thì ngõ phố là mối liên kết không gian đó, là các huyết mạch của khu phố cổ. Những con phố ngắn nhỏ nhiều ngõ ngách rất phù hợp với những ai muốn khám phá khu vực phổ cổ bằng cách đi bộ.
Sự đan xen chằng chịt của những con phố có tên “Hàng” này thậm chí còn gây khó khăn cho cả những người sinh ra lớn lên tại Hà Nội nhưng chỉ cách phố cổ vài km.
Náo nhiệt và thanh bình
Không phải tự dưng mà kinh thành Thăng Long xưa được gọi là xứ Kẻ Chợ. Ở nơi này, chỉ cần một góc nhỏ dưới gầm cầu thang của một ngôi nhà, người ta có thể kê được một chiếc bàn gỗ, vài chiếc ghế nhỏ, thành một quán nước nhỏ xinh làm chỗ nghỉ cho những bước chân đã mệt mỏi vì làm việc hay tham quan.
Đó cũng là nơi mà chỉ cần bước chân ra cửa là có thể mua được mọi thứ, là nơi những dãy phố là những cửa hàng san sát nhau, tấp nập người và xe, đầy những âm thanh.
Tuy nhiên, chỉ cần ngước mắt lên trên cao, vượt trên những mái hiên của khu vực buôn bán, ta lại thấy những ”mái ngói rêu phong,” những ban công cũ kỹ rợp bóng mát của những tán cây lớn trên vỉa hè đang cố sà vào nhà.
Dường như có một Hà Nội khác đang tồn tại trên đó, với những căn phòng vẫn vẹn nguyên kiến trúc, đồ đạc của ngày xưa, được những người con Hà Nội nâng niu, gìn giữ qua bao thế hệ.
Bảo tồn di sản dưới sức ép đô thị
Câu chuyện bảo tồn, tôn tạo và phát huy Phố Cổ Hà Nội luôn là vấn đề nóng được bàn đến trong nhiều năm qua, đặc biệt khi di sản này đang ngày càng trở nên xuống cấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan cũng như đời sống sinh hoạt của những người dân sinh sống tại đây.
Khu Phố Cổ Hà Nội gồm phần lớn là các công trình nhà ở có không gian hình ống với các lớp công trình, có sân trong giếng trời xen kẽ và mái dốc lợp ngói. Điển hình là Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây được quận Hoàn Kiếm trùng tu, nhằm bảo tồn kiểu kiến trúc truyền thống này.
Tuy nhiên, điều ai cũng có thể nhận thấy khi đi qua khu phố cổ là kiến trúc nhiều ngôi nhà truyền thống bị thay bằng các ngôi nhà cao tầng hiện đại, lạc lõng giữa không gian cổ kính ở các dãy phố.
Nếu trước kia, khi nhắc đến tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” gắn với mặt hàng đặc trưng được gia công, kinh doanh tại đây thì hiện nay, các phường nghề, phố nghề trong khu Phố Cổ Hà Nội đã dần biến mất. Thay vào đó là các cửa hàng kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu, thủ công truyền thống, ẩm thực, khách sạn, văn phòng công ty…
Các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu, khôi phục phố nghề ở khu Phố Cổ Hà Nội như một nét văn hóa riêng. Ở mỗi phường nghề, phố nghề chỉ cần khôi phục một cơ sở sản xuất các sản phẩm cổ truyền của phố nghề cùng với việc bán hàng tại chỗ để quảng bá các sản phẩm đó.
Ví dụ, ở Hàng Bạc là cơ sở sản xuất và bán các mặt hàng vàng bạc; Hàng Đào là cơ sở sản xuất, nhuộm màu và bán các mặt hàng vải lụa, quần áo, và cũng như thế thì Hàng Trống với nghề thêu; Hàng Hòm với nghề sơn ta; Hàng Bông với nghề bật bông làm chăn, đệm; Hàng Gai với nghề in…
Thực tế hiện nay, trong khu phố cổ chưa có một khu mua sắm nào đảm bảo uy tín và phục vụ được những nhu cầu này của du khách. Hiện mới chỉ dừng ở các cơ sở kinh doanh tự phát, mà như vậy rất khó quản lý về mặt giá cả, chất lượng và có thể dẫn đến việc trà trộn hàng giả, nhái, không đảm bảo chất lượng./.