4 khoản tiền lớn bị mất nếu rút BHXH một lần, người lao động cần cân nhắc
Thời gian gần đây, vì các lý do khác nhau, nhiều người lao động có xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần (rút BHXH một lần), thay vì tiếp tục đóng đầy đủ đến lúc được hưởng lương hưu.
Theo các quy định hiện hành, khi rút BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi nhiều quyền lợi. Đặc biệt, phần tiền mà người lao động nhận về khi rút BHXH một lần sẽ hạn chế hơn rất nhiều so với các quyền lợi được hưởng khi nhận lương hưu.
Cụ thế, người lao động sẽ không được hưởng 4 khoản tiền lớn nếu rút BHXH một lần.
Đầu tiên là không được hưởng lương hưu nếu rút BHXH một lần.
Người lao động tham gia đóng BHXH đủ 20 năm, khi hết tuổi lao động, đủ điều kiện nhận sẽ được hưởng các quyền lợi về lương hưu.
Lương hưu được hưởng hàng tháng. Mức lương hưu cũng không cố định suốt đời, mà được điều chỉnh tăng theo điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi. Đơn cử, dù 2 năm qua bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhưng từ ngày 1/1/2022, lương hưu vẫn được điều chỉnh tăng thêm 7,4%.
Nếu rút BHXH một lần thì người lao động chỉ được hưởng 1,5 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và 2 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, số tiền người lao động hưởng BHXH một lần thấp hơn nhiều so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Bởi vì, theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%; tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương.
Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu rút BHXH một lần thì người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014, và mất 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.
Thứ hai, không được cấp thẻ BHYT miễn phí nếu rút BHXH một lần.
Thực tế cho thấy, chi phí y tế chiếm tỷ lệ lớn trong đời sống người cao tuổi. Khi đó, BHYT là thiết yếu, đặc biệt cho người đang được hưởng lương hưu.
Người đang hưởng lương hưu sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí từ cơ quan BHXH, nên họ không phải lo lắng về chi phí y tế khi về già.
Ngoài ra, người hưởng lương hưu đi khám chữa bệnh BHYT đúng tuyến với loại thẻ này sẽ được quỹ BHYT thanh toán đến 95%, người bệnh chỉ phải đồng chi trả 5%. Trong khi nếu tham gia BHYT hộ gia đình thì chỉ được quỹ này thanh toán ở mức cao nhất là 80% chi phí khám chữa bệnh.
Thứ ba, thân nhân không được hưởng trợ cấp tử tuất khi người lao động rút BHXH một lần.
Theo đó, người lao động nghỉ việc, rút BHXH một lần, không bảo đảm quá trình tham gia BHXH từ 15 năm trở lên, khi chẳng may qua đời thì thân nhân sẽ không được hưởng trợ cấp tử tuất.
Luật BHXH năm 2014 quy định, nếu người đang hưởng lương hưu hoặc chưa đến tuổi nghỉ hưu mà đóng BHXH 15 năm trở lên (chưa rút BHXH một lần) chẳng may qua đời thì có tối đa 4 người thân được nhận trợ cấp hàng tháng với mức bằng 0,5 tháng lương cơ sở cho mỗi người. Nếu thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tử tuất hàng tháng bằng 0,7 tháng lương cơ sở.
Mức trợ cấp tử tuất hàng tháng này dành cho những người thân, người phụ thuộc vào họ như: con cái (chưa đủ 18 tuổi), vợ/chồng, cha mẹ hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có trách nhiệm nuôi dưỡng…
Thứ tư, nếu người lao động rút BHXH một lần thì khi qua đời, người thân không được nhận tiền mai táng phí.
Luật BHXH năm 2014 quy định, người lao động đóng BHXH đủ 12 tháng trở lên, người đang hưởng lương hưu, người đang bảo lưu quá trình tham gia BHXH (nghỉ việc nhưng không rút BHXH một lần) mà qua đời thì thân nhân lo mai táng cho họ sẽ được nhận trợ cấp mai táng.
Khoản tiền trợ cấp mai táng được cơ quan BHXH thanh toán một lần cho thân nhân của người lao động với mức bằng 10 tháng lương cơ sở. Đây là một khoản tiền không nhỏ khi người tham gia BHXH qua đời vì mức lương cơ sở luôn được điều chỉnh tăng theo tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Hiện tại, mức lương cơ sở đang áp dụng là 1,49 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp mai táng là 14,9 triệu đồng. Từ ngày 1/7/2023, khi lương cơ sở tăng lên mức 1,8 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp mai táng cũng tăng lên thành 18 triệu đồng.
Rút BHXH một lần hay không là lựa chọn của người lao động, theo đúng các quyền lợi hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, với những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi khi rút BHXH một lần, đặc biệt là không được hưởng nhiều khoản tiền lớn như đã nêu ở trên, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định.
Theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2016 – 2021 có 4,06 triệu người rút BHXH một lần. Tính ra, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần và số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước, với tốc độ tăng trung bình mỗi năm 11,6%.
Người rút phần lớn làm việc trong doanh nghiệp với gần 2,9 triệu người (90,7%), tiếp đến là khu vực nhà nước với 257.000 người (8%) và lao động tham gia BHXH tự nguyện là 38.800 người (1,2%).
Những người rút BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, tuổi từ 20 đến 40, chiếm 77,5%.
Lao động nam rút BHXH một lần có độ tuổi bình quân 34 với 4,5 năm đóng BHXH, và nữ là 32 tuổi với trung bình 4 năm tham gia.