9 Bộ, 32 địa phương phải làm việc với Kiểm toán về nguồn lực chống dịch COVID-19
Ảnh minh họa.
Đây là nội dung chính được đưa ra tại Hội nghị công bố Quyết định kiểm toán diễn ra chiều 15/2. Việc triển khai kiểm toán diễn ra sau khi có yêu cầu thông tin minh bạch về công tác huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, trong quá trình phòng chống dịch đã xảy ra một số tồn tại và hạn chế, theo đó các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc (điển hình như các vụ việc xảy ra tại CDC Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương…). Do đó, Quốc hội và Chính phủ đã chỉ đạo công tác kiểm toán phải phản ánh “bức tranh” toàn diện nhất về huy động nguồn lực chống dịch từ ngân sách Nhà nước, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán tại 9 bộ, cơ quan Trung ương và 32 địa phương. Mục tiêu cuộc kiểm toán lần này là đánh giá tính khả thi, kịp thời trong việc ban hành và tuân thủ các văn bản về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch và các chính sách hỗ trợ của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó, công tác kiểm toán sẽ đánh giá tính hiệu quả, hiệu lực một số chính sách đối với lực lượng tuyến đầu, bệnh nhân, người lao động và chính sách an sinh xã hội; phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện để kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách, đề xuất giải pháp khắc phục và xử lý theo quy định của pháp luật.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cam kết: “Kiểm toán Nhà nước sẽ cố gắng kết thúc chuyên đề và có báo cáo thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và các cơ quan có thẩm quyền trong kỳ họp Quốc hội vào tháng Năm”.
Cơ quan kiểm toán cho biết, thời kỳ được kiểm toán tại các đơn vị từ năm 2020, 2021 và các thời gian trước, sau có liên quan. Nội dung kiểm toán bao gồm việc tham mưu, ban hành các văn bản, chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng kết đánh giá việc thực hiện các chỉ đạo, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19; việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch và các chính sách hỗ trợ.
“Chưa bao giờ có cuộc kiểm toán chuyên đề quy mô lớn như thế này. Kiểm toán Nhà nước đã phải huy động lực lượng rất lớn trong ngành. Công tác chuẩn bị và thành lập Ban Chỉ đạo đã được thực hiện ngay từ tháng 12/2020. Đây là lần đầu tiên thực hiện huy động lực lượng kiểm toán toàn ngành, thời gian tập trung tại các đơn vị rất ngắn chỉ vài ngày, một số đơn vị dài nhất cũng hơn 20 ngày…. Song, số lượng công việc lại rất lớn về văn bản, hồ sơ tài liệu liên quan cũng như báo cáo thống kê, báo cáo tình hình thực hiện …”, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm.
Theo đó, Tổng Kiểm toán chỉ đạo các đoàn công tác quán triệt tinh thần thu thập thông tin đầy đủ, khách quan, trung thực, trên cơ sở đó phân tích đánh giá, phản ánh đúng công sức và kết quả trong hoạt động phòng chống dịch. Bên cạnh đó, Tổng Kiểm toán đề nghị các lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan Trung ương chia sẻ, hỗ trợ và phối hợp với các đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ, nhằm đảm bảo mục tiêu chung, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào, cử tri cả nước cũng như yêu cầu của Quốc hội, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tính công khai, minh bạch trong hoạt động phòng, chống dịch.