Đa dạng các hợp đồng dầu khí để khuyến khích đầu tư
Tham khảo thông lệ quốc tế
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho rằng, trong bối cảnh mới với những thay đổi của điều kiện tài nguyên, chuyển dịch năng lượng, Luật Dầu khí hiện hành đã trở thành “chiếc áo quá chật” kìm hãm sự phát triển của ngành. Để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần cân nhắc nhiều hơn đến các cơ chế, biện pháp khuyến khích các nhà đầu tư phù hợp với các điều kiện đặc thù của nguồn tài nguyên dầu khí của nước ta. Trong đó, cần tham khảo các thông lệ dầu khí quốc tế tại các quốc gia trên thế giới và khu vực.
Theo đại diện PVN, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cho đến nay đã nghiên cứu, xem xét các hình thức hợp đồng mới áp dụng cho các đối tượng như các dự án khuyến khích đầu tư, đặc biệt khuyến khích đầu tư trên cơ sở tham khảo thông lệ dầu khí quốc tế. Đặc biệt, dự thảo Luật cũng đã trao quyền chủ động cho PVN với vai trò là công ty dầu khí quốc gia trong quá trình đàm phán hợp đồng dầu khí với các nhà thầu dầu khí để có các điều khoản thỏa thuận phù hợp với những rủi ro và thách thức cụ thể cho từng đối tượng tài nguyên.
Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực, mức độ linh hoạt trong việc áp dụng các hình thức hợp đồng dầu khí của Việt Nam vẫn có phạm vi hẹp trong khuôn khổ hợp đồng chia sản phẩm dầu khí theo cơ chế thu hồi chi phí. Do đó, để tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục xem xét, tham khảo kinh nghiệm của các nước bạn trong khu vực trong việc đa dạng và linh hoạt các hình thức hợp đồng dầu khí phù hợp với các điều kiện đặc thù của từng loại tài nguyên.
Đồng tình quan điểm trên, TS. Phan Minh Quốc Bình - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho biết, Malaysia được đánh giá là một quốc gia thành công trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.
Cơ chế khuyến khích đầu tư cho các hoạt động dầu khí của Malaysia được áp dụng linh hoạt và thay đổi khác nhau tùy thuộc vào các điều kiện đặc thù của mỗi nguồn tài nguyên dầu khí và các điều kiện biến động của thị trường, trong đó bao gồm cơ chế tài chính đối với các mỏ thuộc khu vực nước sâu xa bờ, khu vực có nhiệt độ cao, áp suất cao, các mỏ dầu khí cận biên và các mỏ dầu khí cạn kiệt nhằm tận thu nguồn tài nguyên dầu khí.
Cân nhắc dạng hợp đồng dịch vụ rủi ro
Theo TS. Phan Minh Quốc Bình, cách thức mà Malaysia đã thực hiện là nỗ lực hướng tới các điều khoản tài chính và phi tài chính khả thi về mặt thương mại để thu hút đầu tư các Công ty dầu khí quốc tế (IOCs). Chính phủ nước này đã liên tục hoàn thiện và đưa vào áp dụng những hình thức hợp đồng mới phù hợp với các đặc điểm về tiềm năng và các điều kiện triển khai hoạt động dầu khí khác nhau.
Tính đến năm 2021, Malaysia đã ban hành 11 mẫu hợp đồng dầu khí thuộc các hình thức hợp đồng khác nhau, trong đó có hợp đồng dịch vụ rủi ro (RSC) và các dạng hợp đồng khác áp dụng đối với các mỏ dầu khí tận thu. Thông qua các mẫu hợp đồng này, Malaysia đã có những điều chỉnh thay đổi và cho thấy sự linh hoạt các định chế tài chính khác nhau.
TS. Phan Minh Quốc Bình cho rằng, tại Việt Nam, đối với các mỏ dầu khí cận biên có thể xem xét áp dụng hình thức RSC. Thực tế áp dụng tại Malaysia, RSC đem lại nhiều lợi ích và thuận lợi cụ thể cho nhà thầu trong việc phát triển mỏ cận biên. Hợp đồng này giúp nhà thầu giảm thiểu rủi ro hơn so với các điều khoản tài chính khác. Trong trường hợp hết hạn hợp đồng mà nhà thầu chưa thu hồi hết chi phí, nhà thầu sẽ được hoàn trả tương ứng các chi phí chưa thu hồi sau khi dự án kết thúc. Thêm vào đó tỷ lệ thu hồi chi phí trong RSC được bảo đảm tối thiểu là 70% và có thể tăng thêm. Nếu nhà thầu đảm bảo khai thác đủ sản lượng khai thác đã cam kết, nhà thầu sẽ được áp dụng tỷ lệ thu hồi chi phí 100% đối với các chi phí đầu tư đã bỏ ra.
“Trong bối cảnh hầu hết các mỏ dầu khí đang khai thác ở nước ta đã bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng, việc xem xét tham khảo các thông lệ dầu khí quốc tế tốt tại các quốc gia trên thế giới và trong khu vực để điều chỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp với các điều kiện đặc thù của nguồn tài nguyên dầu khí của Việt Nam là rất cần thiết”, ông Bình cho biết.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 264 ra ngày 21/9/2022)