Đà Nẵng không đồng tình với đề xuất "Sân bay Chu Lai thay thế Sân bay Đà Nẵng"
UBND TP Đà Nẵng vừa có công văn góp ý về quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng chú ý, trong công văn, ở lĩnh vực hàng không, UBND TP Đà Nẵng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam bỏ nội dung: "Định hướng Cảng hàng không quốc tế Chu Lai… trong tương lai sẽ dần thay thế cho Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng".
Đồng thời, Đà Nẵng cũng đề nghị tỉnh Quảng Nam chủ động cập nhật Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng, trong đó đề xuất quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Chu Lai đến 2050 đều đạt công suất 30 triệu khách/năm, không ảnh hưởng đến định hướng phát triển của 2 cảng hàng không.
Dẫn chứng thêm về đề xuất này, UBND TP Đà Nẵng cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về nội dung rà soát quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, đề xuất phương án quy hoạch đối với cụm sân bay Đà Nẵng và Chu Lai.
Cụ thể, quy hoạch sân bay Đà Nẵng giai đoạn đến năm 2030 đạt công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm; tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm.
Quy hoạch sân bay Chu Lai để từng bước đáp ứng vai trò định hướng của cảng nói riêng và nhu cầu vận tải hàng không khu vực miền Trung nói chung; giai đoạn đến năm 2030 đạt công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm.
Ngoài ra, đối với phương án phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng hàng không và các trung tâm logistics, cảng cạn phụ trợ các kết cấu hạ tầng này, Đà Nẵng đề nghị Quảng Nam cần xem xét, tính đến định hướng quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng tương ứng của các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm để xác định quy mô, công suất phù hợp, tránh chồng lấn, lãng phí nguồn lực.
Bởi lẽ, Đà Nẵng đã có Cảng Liên Chiểu định hướng là cảng tổng hợp quốc gia loại 1, đến 2050 công suất 50 triệu tấn hàng/năm, đón tàu trọng tải từ 100.000 DWT, tàu container đến 8.000 teu, phát triển đồng bộ trung tâm logistics gắn với hậu cần khu bến Liên Chiểu.
Đồng thời, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cũng được nâng cấp, mở rộng đến năm 2030 đạt 25 triệu hành khách/năm, 100.000 tấn hàng hóa/năm, cấp 4E, đầu tư xây mới nhà ga hàng hóa, khu logistics chuyên dụng hàng không, đến năm 2050 đạt 200 - 300.000 tấn hàng hóa/năm.
Bên cạnh đó, về lĩnh vực đường bộ, Đà Nẵng cũng đề nghị rà soát điều chỉnh hướng tuyến cao tốc Đà Nẵng-Thạnh Mỹ-Ngọc Hồi-Bờ Y (CT.21) đoạn qua địa phận Đà Nẵng trùng khớp với đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (vị trí chuyển tuyến đặt tại trạm thu phí Phong Thử để nối với thị trấn Thạnh Mỹ). Đề nghị quy hoạch QL14B đoạn qua tỉnh Quảng Nam phù hợp và khớp nối đồng bộ với đoạn trên địa phận Đà Nẵng về chủ trương nâng cấp QL này quy mô 6 làn xe, rộng 34m giai đoạn đến 2025.
Còn đối với đường sắt, TP.Đà Nẵng góp ý tỉnh Quảng Nam cập nhật hướng tuyến đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam đoạn qua 2 tỉnh thành theo quy hoạch chung, bổ sung tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước.
Về lĩnh vực đường thuỷ nội địa, theo định hướng quy hoạch, Đà Nẵng không quy hoạch đường thuỷ nội địa để phát triển khai thác vận tải hàng hoá, chỉ tập trung phục vụ vận tải hành khách du lịch dọc sông, kết nối giữa các cảng, bến thuỷ nội địa tại các điểm đến du lịch. Do đó, đề nghị tỉnh Quảng Nam không quy hoạch tuyến vận tải hàng hóa qua sông Vĩnh Điện, sông Hàn và Cổ Cò như tuyến "nối từ cửa Kỳ Hà qua sông Trường Giang đi Cửa Đại nối tiếp đoạn sông hạ lưu Thu Bồn, sông Vĩnh Điện đi cửa Hàn" đề cập trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam.
Theo định hướng quy hoạch đường thủy nội địa của Quảng Nam và Đà Nẵng, dự kiến sẽ thông tuyến Vĩnh Điện thuộc địa phận hai địa phương để phục vụ vận tải hành khách thủy nội địa, tuy nhiên trong dự thảo quy hoạch tỉnh Quảng Nam có đề xuất bố trí các đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện. Do đó, Đà Nẵng đề nghị kiểm tra rà soát nhằm đảm bảo sự phù hợp trong quy hoạch.
Ngoài ra, theo dự thảo quy hoạch, sông Cổ Cò phía Quảng Nam hiện trạng đảm bảo cấp kỹ thuật IV, tuy nhiên qua tìm hiểu thông tin, hiện nay các công trình ngang sông trên tuyến sông Cổ Cò phía Quảng Nam không đảm bảo cấp kỹ thuật IV. Vì vậy, Đà Nẵng đề nghị rà soát đảm bảo thông tin đúng hiện trạng cấp sông theo quy định và quy hoạch khớp nối đồng bộ với quy hoạch cấp sông Cổ Cò đoạn trên địa phận Đà Nẵng theo nội dung quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua tháng 12/2022.