ACBS: Nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng khi sử dụng đòn bẩy thời điểm hiện tại
Kết thúc cuộc họp chính sách 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25%, đưa ra quan điểm thận trọng về những bất ổn gần đây của ngành ngân hàng và cho biết lộ trình tăng lãi suất sắp khép lại. Phạm vi lãi suất hiện dao động ở mức 4,75% - 5%.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán ACBS đánh giá dự báo kinh tế mới được FED công bố cho thấy triển vọng kinh tế đang xấu đi theo thời gian. FED đã hạ triển vọng kinh tế Mỹ với tăng trưởng GDP chỉ tăng 0,4% vào năm 2023 (so với mức 0,5% hồi tháng 12), cho thấy FED kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ hạ nhiệt. Ngoài ra, FED cũng tăng dự báo trung bình về lạm phát trong năm 2023 nhưng giảm tỷ lệ thất nghiệp từ 4,6% xuống mức 4,5%.
Xét ảnh hưởng tới Việt Nam, bất chấp lạm phát cao ở Mỹ, cùng với việc FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất và chương trình Thắt chặt định lượng của FED, ACBS duy trì kỳ vọng CPI của Việt Nam trong 2023 sẽ chỉ tăng khoảng 3,2% - 4,5% với dự kiến những tác động gián tiếp của tăng giá xăng dầu và các chi phí điện, nước, ý tế và giáo dục tăng trong năm 2023. Con số này vẫn nằm trong mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Bên cạnh đó, ACBS dự kiến thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ VNĐ từ NHNN. Tuy nhiên, nhu cầu về vốn vay vẫn duy trì thấp do lãi suất vẫn cao hơn nhu cầu hiện tại của nền kinh tế. Mặt khác, hiện tại nguồn USD đổ vào Việt Nam đang dồi dào sẽ giúp hỗ trợ tỷ giá cũng như thanh khoản của hệ thống ngân hàng, dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể được duy trì thấp trong thời gian tới. Tuy nhiên, nếu như áp lực tỷ giá quay trở lại, dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể dao động xung quanh mốc 5-6%.
Ngoài ra, ACBS dự kiến NHNN có thể cố gắng giữ nguyên chính sách điều hành hiện hành với mức lãi suất điều hành hợp lý nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế. Trong trường hợp xấu nhất, NHNN có thể tăng dần lãi suất điều hành (nhất là lãi suất tái cấp vốn) thêm 50-100 điểm cơ bản trong cả năm 2023 để hỗ trợ đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá.
Đặc biệt, những áp lực mất giá của VNĐ trong năm nay sẽ thấp khi đồng USD suy yếu, FDI giải ngân dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ đặc biệt đến từ du lịch quốc tế và rủi ro suy thoái gia tăng, đặc biệt tại các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Nhìn chung, ACBS nhận định trung lập đối với tỷ giá trong nửa đầu năm 2023 và dự kiến đồng VNĐ có thể tăng giá nhẹ trong 6 tháng cuối năm.
Riêng với thị trường chứng khoán Việt Nam, quan điểm của ACBS là thận trọng trong nửa đầu 2023 đối với VN-Index trong bối cảnh thanh khoản duy trì ở mức thấp do áp lực lãi suất cũng như áp lực đáo hạn TPDN.
Tuy nhiên, Nghị quyết 33/NQCP ban hành ngày 11/3 là một thông tin tích cực giúp giải tỏa áp lực đáo hạn các TPDN cũng như giúp các doanh nghiệp BĐS có hướng tái cấu trúc và xử lý các khoản nợ liên quan đến TPDN. Tính từ ngày 11/3 đến hiện tại đã có hơn 9 nghìn tỷ VNĐ TPDN được phát hành.
Bên cạnh đó, ACBS nhấn mạnh nhà đầu tư cũng nên hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng đòn bẩy vì áp lực gia tăng lãi suất vẫn còn duy trì khi FED vẫn giữ nguyên lộ trình tăng lãi suất với một đợt tăng lãi suất dự kiến trong tháng 5/2023. Một điểm sáng hỗ trợ tích cực cho TTCK Việt Nam trong nửa đầu năm nay là dòng vốn nước ngoài từ các quỹ ETFs (với hơn 4 nghìn tỷ giải ngân từ đầu năm tới giờ từ các quỹ Fubon FTSE Việt Nam, quỹ VanEck Vectors, quỹ FTSE Vietnam) vẫn tiếp tục được giải ngân dần dần trong năm 2023.