Đại biểu Quốc hội thống nhất tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội
Góp ý cụ thể về số lượng đại biểu HĐND TP Hà Nội quy định tại khoản 2 Điều 9, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật quy định tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 125 đại biểu. Khi không còn HĐND quận, phường thì vai trò, trách nhiệm trong thẩm tra, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng sẽ do HĐND TP đảm nhiệm. Do vậy, việc tăng số lượng đại biểu HĐND TP là hợp lý.
Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng trong dự thảo Luật đang đề nghị tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên ít nhất 25% là chưa tương ứng với số lượng nhiệm vụ, quyền hạn được tăng thêm của HĐND TP Hà Nội. Đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần xem xét nâng tỷ lệ đại biểu HĐND TP hoạt động chuyên trách có thể lên ít nhất là 30% hoặc 40% như đối với đại biểu Quốc hội để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND TP.
Đồng thời, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho Thường trực HĐND TP trong việc cho ý kiến thống nhất với UBND TP trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các kỳ họp của HĐND để tạo tính chủ động, linh hoạt trong thực hiện các nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cũng đề nghị tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách lên từ 25-30%; bố trí đội ngũ lãnh đạo HĐND phù hợp; đồng thời có quy định đổi mới, cải tiến phương thức hoạt động của HĐND TP; HĐND quận, thị xã tiếp tục thực hiện mô hình chính quyền đô thị để tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trên địa bàn phường không tổ chức HĐND…
Đặc biệt, Đại biểu Nguyễn Tạo đánh giá cao trong năm 2023, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nghị quyết rất ưu việt và đột phá đó là quản lý tài sản công.
Về quy định về thẩm quyền của Thường trực HĐND TP Hà Nội, tại khoản 4 Điều 9 của dự thảo Luật đã quy định khá cụ thể về nhiệm vụ của Thường trực HĐND TP Hà Nội, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật sẽ phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế.
Theo Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh), về chính sách tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Nghị quyết 15 đã phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực, nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đại biểu cho rằng, việc trao những thẩm quyền vượt trội cho chính quyền TP là phù hợp với định hướng, chính sách của dự án luật.
Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục quy định cụ thể hơn về phân định nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền. Đồng thời, khi quy định thẩm quyền của HĐND TP trong việc quyết định các mô hình cơ quan chuyên môn giúp việc, được quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 9 của dự thảo Luật, cần xác định phạm vi các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù, điều kiện, tiêu chí thành lập, loại hình tổ chức…