Đại diện Bộ Y tế: Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP.HCM khó lây ra cộng đồng
Cuối giờ chiều ngày 3/10, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã trả lời báo chí những thông tin liên quan đến ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện tại TP.HCM.
PV: Ca bệnh này phát hiện trong trường hợp nào và hiện tình trạng quản lý, chăm sóc bệnh nhân thế nào?
GS.TS Phan Trọng Lân: Đây là bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú tại TP HCM khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7/2022 đến 22/9/2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.
Ngày 23/9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu TP HCM. Tại đây, bác sĩ khám, nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán.
Ngày 25/9/2022, bệnh nhân có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gen tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường đại học OXFORD hợp tác với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Về nguồn lây, đây là trường hợp đã ở nước ngoài hơn 60 ngày, có triệu chứng ở nước ngoài, khi về Việt Nam đã mắc rồi. Đối với các trường hợp tiếp xúc (người trong gia đình, cán bộ y tế) được theo dõi, giám sát, đến nay những người này hơn 10 ngày không có biểu hiện mắc bệnh đậu mùa khỉ và sẽ được cách ly 21 ngày.
Bộ Y tế gửi văn bản yêu cầu TP.HCM huy động các nguồn lực rà soát, đánh giá. Cho đến nay các đánh giá lây nhiễm đã khoanh vùng, xử lý người tiếp xúc, đối với trường hợp này khó có khả năng lây lan trong cộng đồng.
PV: Chúng ta làm thế nào để giám sát, phát hiện sớm đối với ca bệnh đầu tiên?
GS.TS Phan Trọng Lân: Các bệnh viện bằng các kỹ thuật và những sinh phẩm làm được xét nghiệm để phát hiện ca bệnh.
Bên cạnh đó, chúng ta phối hợp với các tổ chức trên thế giới có được các nguồn sinh phẩm để xét nghiệm, nghiên cứu, kể cả giải trình tự gen đáp ứng được nhu cầu khi có những trường hợp cần xét nghiệm.
PV: Với những trường hợp này việc điều trị sẽ như thế nào?
GS.TS Phan Trọng Lân: Điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là phát hiện được ca bệnh, khoanh vùng xử lý không để lây lan. Đó là yếu tố hết sức quan trọng đối với cộng đồng.
PV: Ông nhận định thế nào về những nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam sau ca bệnh này?
GS.TS Phan Trọng Lân: Đối với đậu mùa khỉ đã ghi nhận bên ngoài vùng lưu hành trên 106 nước. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng với tần xuất mắc cao, địa bàn rộng, giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập Việt Nam là hiện hữu.
Dù xâm nhập hay không thì chúng ta đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt nơi thăm khám các bệnh lây qua đường tình dục nâng cao cảnh giác; mỗi người dân nếu phát hiện những trường hợp nghi ngờ thì đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh khai báo vừa để bảo vệ cho bản thân vừa để được điều trị đầy đủ và tránh lây nhiễm cho người khác.
PV: Hiện nay chúng ta xây dựng kịch bản phòng chống, điều trị đậu mùa khỉ thế nào, thưa ông?
GS.TS Phan Trọng Lân: Chúng ta đã xây dựng kịch bản với những trường hợp: Khi chưa có ca bệnh, khi có ca xâm nhập, khi có ca lây lan trong cộng đồng… Các kịch bản có thể linh hoạt nhằm đảm bảo khi có trường hợp ca bệnh thì đáp ứng kịp thời.
PV: Xin ông cho biết hiện năng lực xét nghiệm của chúng ta như thế nào?
GS.TS Phan Trọng Lân: Như chúng ta thấy, có trường hợp nghi ngờ chúng ta đã xét nghiệm được bằng PCR, kể cả giải trình tự gen.
PV: Vậy người dân hoàn toàn yên tâm, thưa ông?
GS.TS Phan Trọng Lân: Chúng ta thường xuyên tăng cường cập nhật, phối hợp với các tổ chức quốc tế để cập nhật về sinh phẩm, phương pháp chẩn đoán để phục vụ người dân.
PV: Tỷ lệ tử vong với bệnh này như thế nào?
GS.TS Phan Trọng Lân: Hiện nay có 2 chủng lưu hành, ở Trung Phi và Tây Phi. Đối với chủng ở Tây Phi nhẹ hơn, hiện nay hầu hết các trường hợp ghi nhận bên ngoài khu vực châu Phi (châu Âu, châu Mỹ và các nước khác).
Với chủng ở Tây Phi tỷ lệ tử vong thấp hơn. Tuy nhiên cần các đánh giá dịch tễ sâu hơn nữa nhất là đối với những trường hợp hiện nay hoặc trên các đối tượng không phải nguy cơ cao. Với chủng ở Tây Phi tỷ lệ chết/mắc ít hơn so với chủng ở Trung Phi.
PV: Trân trọng cảm ơn Ông!