Ai phải chịu trách nhiệm?
Đầu năm nay, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022 theo hình thức trực tuyến tới công an các địa phương, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho biết: Năm 2021, cả nước đã xảy ra 2.245 vụ cháy (trong đó có 46 vụ cháy lớn), làm chết 85 người, bị thương 130 người, thiệt hại tài sản do cháy nổ khoảng 374,42 tỷ đồng và gần 3.670 ha rừng. Cũng trong năm 2021, cả nước đã xảy ra 2.769 vụ sự cố do chập điện và 769 vụ cháy cỏ, rác. Cùng thời gian này, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã trực tiếp cứu nạn và hướng dẫn thoát nạn cho 1.082 người.
Còn trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước đã xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người và thiệt hại tới 414,78 tỷ đồng, 40,87ha rừng. Đó là chưa kể những vụ cháy sau thời điểm đó, mà đặc biệt nghiêm trọng vụ cháy quán karaoke tại Hà Nội trên đường Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) khiến 3 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi nỗ lực cứu người.
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong số các loại hình cháy, nhà dân chiếm tỷ lệ cao nhất với 322 vụ (chiếm 37,97%); 183 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 21,85%); 109 vụ cháy phương tiện giao thông (chiếm 12,85%); 69 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm 8,14%); 16 vụ cháy chung cư (chiếm 1,89%)... Bên cạnh đó, trong số 545 vụ cháy đã điều tra rõ nguyên nhân thì có 398 vụ do sự cố hệ thống, thiết bị điện (chiếm 46,93%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 89 vụ (chiếm 10,5%)... Đáng chú ý, trong số 28 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người (chết 38 người, bị thương 6 người) thì chủ yếu xảy ra tại nhà dân (24/28 vụ, chiếm 85,7%; trong đó 21 vụ xảy ra tại nhà ở đơn lẻ và 3 vụ xảy ra tại nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh).
Nguyên nhân gây cháy, khu vực xảy ra nhiều vụ cháy... đã được cơ quan chức năng phân tích kỹ; cũng có nghĩa là cảnh báo, nhưng các vụ cháy vẫn xảy ra. Đó là điều rất đáng lo ngại, nhất là trong mùa hè, nhiệt độ cao, sử dụng điện nhiều. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cháy là sự bất cẩn của cả người dân lẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh - nguyên nhân gây cháy không mới và cũng không bất ngờ. Giải pháp quan trọng nhất cũng vậy, có nghĩa là “phòng cháy hơn chữa cháy”, phòng là chính.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để kéo giảm các vụ cháy thì cần nhìn thẳng vào việc chống cháy nổ hiện nay để thấy những “lỗ hổng”, truy trách nhiệm của các bên liên quan. Trong khi cơ quan chức năng khẳng định đã làm tốt công tác tuyên truyền, nhưng người dân khi được hỏi thì bảo không biết. Cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở cũng khẳng định quan tâm thực hiện kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ phát hiện và xử lý không nhiều.
Có thể nêu ví dụ những vụ cháy quán karaoke. Một trong những điều kiện quan trọng cho phép kinh doanh karaoke là phải bảo đảm nghiêm ngặt không để xảy ra cháy nổ. Điều đó có nghĩa là các quán karaoke bị cháy đã không bảo đảm việc này, nhưng vẫn được xác nhận đủ điều kiện hoạt động. Vậy, những ai phải chịu trách nhiệm?
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra rằng khi quy trách nhiệm thì có tình trạng đổ lỗi, trên đổ lỗi cho dưới không chấp hành, dưới đổ lỗi cho trên không hướng dẫn. Người dân cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền cho là người dân không chấp hành.
“Đây là văn hóa đổ lỗi trong quy trách nhiệm” - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) nói. Còn đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) đặt vấn đề: Thiệt hại do cháy nổ là rất lớn nhưng có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức hoặc xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng cháy chữa cháy? Đại biểu cho rằng, công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy.