Đại thắng mùa Xuân 1975: Chiến thắng của bản lĩnh, sức mạnh và trí tuệ Việt Nam
Khoảnh khắc lịch sử xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)
Mốc son lịch sử
Theo TS. Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cuộc kháng chiến chống Mỹ trải qua 5 giai đoạn: 1. Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ; 2. Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ; 3. Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc; 4. Từ năm 1969 đến 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán; 5. Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đó chính là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng. Tổng thống Dương Văn Minh và các thành viên nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng. Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu được đưa sang Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng.
Chiến thắng 30/4 là một trong những mốc son chói lọi nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đó là biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đỉnh cao của khí phách và trí tuệ của con người Việt Nam. Suốt 30 năm kể từ ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, cả dân tộc kiên cường chiến đấu hy sinh để đi tới thắng lợi trọn vẹn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, “Bắc Nam sum họp”…
Còn đó câu chuyện về những người anh hùng đã góp phần làm nên ngày 30/4 lịch sử. Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ nhiều kỷ vật vô giá. 47 năm trước, trong trận chiến khốc liệt ở cửa ngõ Sài Gòn ngày 28/4/1975, chiến sĩ Lê Duy Ứng bị thương nặng. Giờ phút thập tử nhất sinh đó, anh đã lấy chính dòng máu chảy tràn ra từ khóe mắt của mình để vẽ chân dung Bác Hồ.
Đại tá, họa sỹ Lê Duy Ứng, thương binh 1/4, Anh hùng LLVT nhân dân nhớ lại: “Khi đó, chỉ còn cách cửa ngõ Sài Gòn 30km (căn cứ Nước Trong), tôi bị trúng phải đạn của súng chống tăng M72 bị thương ở đầu, ngực và nặng nhất là hai mắt. Trong phút đau đớn, cận kề cái chết, bỗng hình ảnh của Bác Hồ ùa về trong tâm trí tôi. Với tất cả niềm mến yêu và kính trọng, tôi lấy hết sức lực cuối cùng, dùng các đầu ngón tay thấm dòng máu nóng đang tràn ra từ hai khóe mắt để ký họa thật nhanh chân dung của Bác. Không hiểu sao, tôi nhớ rất rõ từng chi tiết, đường nét chân dung Bác. Chỉ vài phút sau, bức chân dung đã được hoàn thành kèm theo dòng chữ: “Ánh sáng niềm tin/Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân - 28/4/1975”. Lúc này máu tuôn nhiều quá, tôi cứ lịm dần rồi ngất đi, nhưng đã kịp cuốn bức vẽ cất vào trong ngực áo cẩn thận”. Bức chân dung của Bác hiện được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Chiến thắng 30/4 là chiến thắng của nội lực Việt Nam, của truyền thống văn hoá dân tộc, của sự lãnh đạo tài tình, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, đồng thời là sự ủng hộ giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, của các nước Xã hội chủ nghĩa anh em, của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.
Ngày 30/4 là ngày hoà hợp dân tộc, từng gia đình và cả dân tộc sum họp dưới mái nhà Việt Nam, người một nước cùng nhìn về một hướng, cùng chung một con đường… Hoà hợp dân tộc đã hoá giải xung đột, xoá bỏ hận thù, giải phóng nội lực để cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên hoà bình, thống nhất, độc lập, tự do cùng đi lên Chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…
“Sức mạnh Phù Đổng” của dân tộc
Năm 1995, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, “kiến trúc sư” cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam xuất bản cuốn hồi ký: “Hồi tưởng: Bi kịch và bài học Việt Nam”. Trong sách, McNamara đã cay đắng thừa nhận: “Chúng ta đã sai lầm, sai lầm một cách tồi tệ”. Chỉ ra 14 sai lầm mà Mỹ đã mắc phải trong cuộc chiến tranh này, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc Việt Nam có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ”.
Nhìn lại Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhiều cựu chiến binh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lịch sử tiếp tục khẳng định: Đó là kết quả của nghệ thuật quân sự Việt Nam.
GS.TS. Đinh Xuân Dũng chia sẻ: “Kẻ thù tưởng chúng ta không còn gì, không còn lực lượng để có thể giải phóng miền Nam, nhưng như một sức mạnh Phù Đổng, từ trong lòng đất, từ trong lòng dân, hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp và cả những quân đoàn lớn từ Tây Nguyên xuống, từ Quảng Trị vào, từ Nam bộ lên, trong một thời gian rất ngắn để giải phóng toàn bộ miền Nam”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ thần kỳ “một ngày bằng 20 năm”. Cuộc Tổng tiến công chiến lược có tầm vóc lớn cả về quân sự và chính trị, về không gian và lực lượng, đã giành thắng lợi trong thời gian rất ngắn, ít tổn thất. Tất cả thể hiện tài thao lược, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược xuất sắc của Đảng ta, nhất là trong tổ chức xây dựng lực lượng, xây dựng thế trận, tạo thời cơ, nắm thời cơ và hạ quyết tâm giành thắng lợi.
Nhìn lại Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhiều cựu chiến binh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu về lịch sử tiếp tục khẳng định: Đó là kết quả của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Nghệ thuật quân sự ấy thể hiện ở rất nhiều điểm, trong đó quan trọng nhất vẫn là tận dụng, nắm bắt thời cơ để đưa ra quyết sách kịp thời; là sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa các quân chủng, binh chủng, các lực lượng và trên hết là nghệ thuật chiến tranh nhân dân, thế trận toàn dân. Từ nghệ thuật quân sự ấy, quân và dân ta đã làm nên một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dựa vào sức mạnh tinh thần, sức mạnh tổng hợp, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng địch từng bước, từng chiến lược, từng mặt trận…
PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nói: “Sự kết hợp sức mạnh tổng hợp là cả tổng công kích về quân sự và sự nổi dậy của quần chúng. Đấy cũng chính là điểm độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Chiến tranh nhân dân ấy đã tạo ra sức mạnh tổng hợp cả về chính trị, quân sự, đấu tranh ngoại giao, vừa đánh vừa đàm, huy động sức mạnh của quần chúng thực lực tại chỗ và sự chi viện đắc lực của miền Bắc”.
Ông Nguyễn Anh Liên, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam kể lại: “Trong chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, lực lượng thanh niên xung phong đóng góp vô cùng lớn lao. Khi bộ đội hành quân giữa đường thì bị thương, phải qua sông qua suối, khi đó một đơn vị nam nữ thanh niên xung phong ngâm mình dưới dòng nước chảy xiết để làm cầu phao sống để cáng thương binh đi qua. Đặt việc phục vụ cho bộ đội chiến đấu thắng lợi là trên hết, không nghĩ gì đến mình”.
Còn PGS.TS. Hà Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Những lực lượng trí thức, từ thanh niên, sinh viên, học sinh cho đến các ký giả, nhà báo, nhạc sĩ, ca sĩ, đặc biệt trong số đó có cả những công chức của chế độ cũ, của chính quyền Sài Gòn, trong cuộc đấu tranh cứu nước đó họ bị cuốn vào phong trào chung như thế. Những đêm không ngủ ở Sài Gòn, phong trào đốt xe Mỹ đã lôi cuốn hàng vạn người tham gia. Không chỉ có học sinh, sinh viên mà rất nhiều người tán thành phải đấu tranh giải phóng miền Nam, chống sự xâm lược của Mỹ”.