Đại Từ (Thái Nguyên): Vì sao chưa đền bù thiệt hại nhà ở cho dân?
Bà Phạm Thị Tân, trú tại xóm Cẩm 3 xã Phục Linh, huyện Đại Từ cho biết: Nhà ở của gia đình bà từ lâu đã bị ảnh hưởng khai thác của mỏ than Phấn Mễ (thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên), bị rạn nứt gây nguy hiểm đã đề nghị mỏ và các cơ quan chức năng của xã, huyện xem xét giải quyết nhiều lần. Để tránh nguy hiểm tới tính mạng, từ tháng 4/2022 đến nay, gia đình bà Phạm Thị Tân đã phải di chuyển đến chỗ ở tạm.
Tháng 9/2022, đại diện mỏ than Phấn Mễ và các cơ quan chức năng của huyện Đại Từ đã kiểm tra hiện trường, lên phương án đền bù nhưng đến nay “càng chờ không thấy đâu”.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết: Ngay sau khi có đơn đề nghị của bà Phạm Thị Tân, UBND huyện Đại Từ đã giao cho các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND xã Phục Linh kiểm tra hiện trường và mời mỏ than Phấn Mễ kiểm tra thực địa sơ bộ đánh giá bằng trực quan, sau đó UBND huyện đã chỉ đạo mỏ than Phấn Mễ hỗ trợ cho hộ gia đình di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, gia đình bà Phạm Thị Tân cũng đã hơn 1 lần đề nghị cơ quan chức năng sớm giải quyết để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong các trả lời của mình, huyện Đại Từ đều cho biết: “Sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan có liên quan, phối hợp với mỏ than Phấn Mễ để sớm hoàn thiện hồ sơ bồi thường, hỗ trợ theo quy định”.
Về lý do chưa bồi thường cho gia đình bà Phạm Thị Tân, tại Văn bản của HĐND huyện Đại Từ ngày 13/7/2023 nêu rõ: “Tuy nhiên, hiện nay mỏ than Phấn Mễ chưa bố trí được kinh phí”.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng ngày 26/7/2023, ông Nguyễn Xuân Tú - Giám đốc mỏ than Phấn Mễ cho hay: “Hiện, việc này đang được UBND huyện giao cho các phòng chuyên môn tham mưu, thuê đơn vị tư vấn xác định nguyên nhân để làm cơ sở giải quyết các bước tiếp theo”.
Như vậy, có thể thấy rõ sự không thống nhất trong phương pháp đánh giá cũng như phương án đền bù thiệt hại cho người dân. Trách nhiệm trước những thiệt hại, khó khăn mà người dân đang gặp phải cũng đang bị chính quyền cơ sở và doanh nghiệp “đánh đu”. Và, với kiểu “đẩy đưa” này, không biết đến bao giờ gia đình bà Phạm Thị Tân mới có được quyền lợi chính đáng của mình?
Được biết, mỏ than Phấn Mễ có 3 điểm mỏ để khai thác, 1 điểm mỏ lộ thiên và 2 điểm mỏ hầm lò, cùng vỉa nhưng độ nông, sâu khác nhau. Cuối năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyết định đóng cửa mỏ lộ thiên. Còn 2 điểm mỏ khác thì vẫn hoạt động để có nguồn than cung cấp cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên.
Còn nhớ, đêm 15/4/2012, tại xóm Khuôn I, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, khoảng 1,1 triệu m3 đất đá từ bãi thải của mỏ than Phấn Mễ bất ngờ sạt lở vùi lấp nhà cửa của 10 hộ dân, 6 ngôi nhà khác trong khu vực bị ảnh hưởng khiến 7 người chết, bị thương và mất tích. Nỗi ám ảnh kinh hoàng sạt trượt bãi thải năm xưa vẫn đeo bám người dân xã Phục Linh đến nay.
Theo ghi nhận, ngày 24/3/2020, tại khu bãi đổ thải số 3 của mỏ than Phấn Mễ, (khu vực tiếp giáp với xóm Khuân 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ) xuất hiện tình trạng sạt trượt, nứt bất thường.
Không những tại khu vực bãi đổ thải mà ở nhiều khu vực moong khai thác than thuộc mỏ than Phấn Mễ cũng có hiện tượng nứt, sạt như vết nứt ở cả ngoài sân và trong nhà tại nhà điều hành của Công ty An Phát Thái, cách xa mép moong khoảng 50m, hoặc vết nứt mới bất thường ở tường, cột, nền sân và nhà của chùa Đàm Vân dù nằm cách mép moong khai thác than khoảng 100m…
Nhà bà Phạm Thị Tân không nằm trong ranh giới dự án, nhưng cũng được đánh giá là bị ảnh hưởng nặng nề bởi khai thác tại mỏ than. Trong khi các cơ quan chức năng của địa phương cũng như phía doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục đổ lỗi chậm bồi thường cho nhau, thì cuộc sống của người dân vẫn phải chịu nhiều cực khổ vì sự tạm bợ, bất an. Sẽ không quá khi nói rằng, niềm tin của người dân về những lời hứa, về trách nhiệm sẽ là câu chuyện không đơn giản để có thể tháo gỡ những nút thắt tiếp theo. Bởi chỉ riêng chuyện với trang thiết bị và lực lượng hùng hậu, có nhiều kinh nghiệm, nhưng Mỏ than Phấn Mễ vẫn thuê một số doanh nghiệp khai thác, chế biến than đã… đầy sự mập mờ!