1. Trang chủ /
  2. AIPA: Bầu cử Tổng thống Nga diễn ra công bằng và minh bạch

AIPA: Bầu cử Tổng thống Nga diễn ra công bằng và minh bạch

chủ nhật, 17/3/2024 21:22 GMT+07
Trong thành phần đoàn giám sát của AIPA có ông Sanya Praseth, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào và ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam.
Đoàn quan sát viên AIPA chụp ảnh kỷ niệm với Đại diện Điểm bầu cử số 2561 ở thủ đô Moskva. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)
Đoàn quan sát viên AIPA chụp ảnh kỷ niệm với Đại diện Điểm bầu cử số 2561 ở thủ đô Moskva. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Trong 3 ngày từ 15-17/3, hơn 94.000 điểm bỏ phiếu đã hoạt động trên toàn Liên bang Nga rộng lớn trải dài trên 9 múi giờ, từ cực Đông Kamchatka cho tới cực Tây - tỉnh biệt lập Kaliningrad.

Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) Liên bang Nga cho biết hơn 700 quan sát viên quốc tế đến từ hơn 100 quốc gia tham gia giám sát cuộc bầu cử này.

Trong số này có 30 đoàn nghị viện các nước, đại diện các tổ chức quốc tế và nhiều quan sát viên độc lập. Dự kiến, các quan sát viên nước ngoài đến thăm 50 điểm bầu cử trên toàn liên bang.

Sáng 17/3, phóng viên TTXVN đã tiếp xúc với phái đoàn giám sát của Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) tham gia giám sát cuộc bầu cử tổng thống Liên bang Nga lần này tại điểm bầu cử số 2561, phường Dorogomilov, quận Tây, thành phố Moskva.

Trong thành phần đoàn có ông Sanya Praseth, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào và ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Sanya Praseth, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lào, cho biết cuộc bầu cử tổng thống Liên bang Nga được tổ chức tốt, an toàn. CEC đã chuẩn bị và trang bị đầy đủ cho cuộc bầu cử. Cử tri có thể đi bầu bằng nhiều phương thức như bầu bằng phiếu giấy, bỏ phiếu điện tử hay bỏ phiếu trực tuyến.

Ông Praseth nhận xét đây là một trong những hệ thống bầu cử tốt nhất, tiến trình bầu cử được thực hiện rất công bằng và minh bạch.

Ông bày tỏ tin tưởng tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ đạt mức kỳ vọng của CEC, đồng thời người dân Nga sẽ có một kỳ bầu cử tốt đẹp và một kết quả bầu cử tốt.

Về phần mình, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam, cho biết trong 3 ngày bầu cử, đoàn quan sát viên AIPA đã đến giám sát 12 điểm bầu cử ở thủ đô Moskva, gặp gỡ các đại diện của CEC cũng như ban vận động bầu cử cho các ứng cử viên, trong đó có ứng cử viên Vladimir Putin và ứng cử viên Leonid Slutsky.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến đánh giá công tác chuẩn bị bầu cử của Nga rất tốt, niêm yết rõ ràng, bảo vệ an ninh tốt. Người đến bầu cử cũng thuận lợi, chỉ cần đem theo hộ chiếu. Việc có tới 3 phương thức bầu cử là bỏ phiếu bằng giấy, điện tử hay trực tuyến giúp cải thiện tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu so với những năm trước.

Trong kỳ bầu cử lần này, 4 ứng cử viên được CEC chấp nhận đủ điều kiện tranh cử gồm ông Leonid Slutsky của Đảng Dân chủ Tự do (LDPR), ông Nikolai Kharitonov của Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), ông Vladislav Davankov của Đảng “Những Con người mới” và đương kim Tổng thống Vladimir Putin. Kết quả sơ bộ sẽ được công bố trong sáng 18/3.

ttxvn_nguyen_manh_tien.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Nguyễn Mạnh Tiến trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam về cuộc bầu cử Tổng thống Liên bang Nga. (Ảnh: Quang Vinh/TTXVN)

Trước đó, Chủ tịch CEC Ella Pamfilova từng khẳng định cuộc bầu cử sẽ được tổ chức minh bạch và công bằng để đảm bảo không có bất cứ nghi ngờ nào về quy trình cũng như tính hợp lệ của sự kiện này.

Theo bà Pamfilova, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trên toàn quốc vào ngày cuối của cuộc bầu cử đã lên tới 61,37%, tính đến 9h45 ngày 17/3 theo giờ Moskva (đầu giờ chiều cùng ngày ở Việt Nam), bao gồm cả những người bỏ phiếu điện tử từ xa.

Trong ngày 16/3, CEC đã phát hiện 12.600 hành động đáng ngờ nhằm vào trang web của Ủy ban này cũng như 4 cuộc tấn công DDoS, nhưng tất cả đã được ngăn chặn kịp thời. Hiện trang web vẫn hoạt động bình thường và không gặp sự cố nào./.

Các điểm bỏ phiếu ở Việt Nam nằm trong số 281 điểm bầu cử bên ngoài Nga tại 144 nước, trong đó tại hai điểm bầu cử Đà Nẵng và Hà Nội có sự hoạt động của các quan sát viên quốc tế đã đăng ký.