Đắk Nông cần đẩy mạnh tuyên truyền các đơn vị và người dân giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam mới làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông về tình hình triển khai, thực hiện Chỉ thị số 43 ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, Đắk Nông hiện có khoảng 3.700 người tham gia kháng chiến có con bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó, 1.851 người đã được giám định, 1.341 người đã được hưởng chế độ. Toàn tỉnh có 6/8 huyện, thành phố thành lập tổ chức hội, 2 huyện Đắk Glong và Đắk Mil đang khảo sát, thống kê tại các xã, thị trấn để chuẩn bị thành lập hội khi đủ điều kiện.
Đặc biệt, các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã vận động nguồn lực hơn 23 tỷ đồng để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như sửa chữa, làm nhà tình nghĩa, cấp học bổng, hỗ trợ vốn sản xuất…
Ông Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông khẳng định: "Đắk Nông xác định việc quan tâm chăm lo nạn nhân chất độc da cam/dioxin là trách nhiệm của tất cả các cấp ủy, chính quyền, của cả hệ thống chính trị của địa phương. Thời gian qua, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khắc phục, giải quyết hậu quả chất độc hóa học, nhất là giải quyết chế độ, chính sách cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin".
Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đánh giá cao việc triển khai Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng của tỉnh Đắk Nông trong thời gian qua.
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đồng thời đề nghị, Đắk Nông cần tiếp tục triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần thường xuyên giúp đỡ, củng cố, kiện toàn Hội Nạn nhân chất độc da cam; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đơn vị, tầng lớp Nhân dân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đắk Nông tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở. Hội các cấp cần tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin.