1. Trang chủ /
  2. Đắk Nông: Nguy cơ trắng tay vì mua "đất giấy tay"

Đắk Nông: Nguy cơ trắng tay vì mua "đất giấy tay"

thứ ba, 15/8/2023 13:21 GMT+07
Thời gian gần đây, ở tỉnh Đắk Nông, việc sang nhượng đất, chủ yếu là đất rẫy bằng giấy viết tay (đất giấy tay) nhưng hình thức mua bán không được công chứng làm phát sinh mâu thuẫn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an ninh trật tự, khiếu kiện kéo dài giữa các bên.
Lô đất 2,5ha thuộc lô 30, khoảnh 2, tiểu khu 1112, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, được ông Hà Đình Khương mua với giá 2,5 tỷ đồng chỉ bằng giấy viết tay. Ảnh: Nhóm PV Lô đất 2,5ha thuộc lô 30, khoảnh 2, tiểu khu 1112, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, được ông Hà Đình Khương mua với giá 2,5 tỷ đồng chỉ bằng giấy viết tay. Ảnh: Nhóm PV

Bỏ tiền tỷ mua "đất giấy tay"

Xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, với nhiều diện tích đất có nguồn gốc nông, lâm trường (đất rừng) bàn giao cho địa phương quản lý. Hiện, tình trạng mua bán đất bằng giấy tay đang diễn ra phức tạp. Đơn cử, ông V.V.T. (người mua đất), sau khi trả 6 tỷ đồng, bên bán vẫn không chịu bàn giao đất, không chịu trả lại số tiền đã nhận. Ông T. khởi kiện dân sự ra toà và thắng kiện, nhưng việc thi hành án kéo dài nên “con đường tìm công lý vẫn còn lắm gian nan”.

Đáng chú ý, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã tiếp nhận đơn thư tố cáo của ông Hà Đình Khương (sinh năm 1958, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) về vụ việc “mua nhầm” mảnh đất nhưng không thuộc quyền sở hữu của người bán.

Cụ thể, cuối năm 2010, ông Khương có ý định mua đất rẫy làm trang trại tại tỉnh Đắk Nông. Biết được nhu cầu mua đất của ông Khương, ông Nguyễn Trung Hữu (lúc này ông Hữu là trung tá, làm Trưởng Phòng Quản lý hồ sơ, Công an tỉnh Đắk Nông), giới thiệu lô đất 2,5ha thuộc lô 30, khoảnh 2, Tiểu khu 1112, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Ông Hữu hứa sau khi “sang tay đám đất” sẽ giúp làm hồ sơ khai thác đá nên ông Khương bỏ tiền mua lại mảnh đất này.

Tin lời ông Hữu, ông Khương gặp ông Nguyễn Văn Truyền (sinh năm 1971, ở huyện Đắk Song) thoả thuận giá cả. Sau khi “đàm phán”, ông Khương mua mảnh đất cùng tài sản trên đất gồm 2.300 cây cà phê, 1 nhà cấp 4 rộng 24m2. Tổng giá trị tài sản ông Khương mua lên tới 2,5 tỷ đồng, nhưng chỉ bằng giấy viết tay. Ông Khương nhiều lần chuyển tiền, đến cuối tháng 10/2020, ông Khương đã chuyển cho ông Truyền 1,6 tỷ đồng và ông Hiếu (anh trai của ông Hữu) 250 triệu đồng. Tổng cộng ông Khương đã chuyển 1,85 tỷ đồng.

Thế nhưng, khi ông Khương đến xem đất thì bị ông Lê Đình Phường (sinh năm 1979, ngụ Đắk Nông) ngăn lại. Ông Phường nói đất này của ông đã bán cho ông Phạm Văn Chinh với giá 550 triệu đồng. Ông Khương nhiều lần tìm gặp ông Truyền và ông Hữu “hỏi cho ra nhẽ”, nhưng chỉ nhận lại những lý do bao biện để không phải trả lại tiền. Sau đó, ông Hiếu buộc phải trả lại 250 triệu đồng.

Trong diễn biến liên quan, ông Khương làm đơn gửi tới Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông tố cáo ông Hữu và ông Truyền dùng thủ đoạn lừa bịp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 4/ 2023 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông vẫn đang kiểm tra, xác minh nội dung tố cáo, nên vụ việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Ông Hữu hiện là Trưởng Công an huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông. 

 Ông Khương được hứa có thể khai thác đá xây dựng nhằm thu lợi kinh tế từ mảnh đất sau khi mua. Ảnh: Nhóm PV

Rủi ro cao

Theo tìm hiểu của PV Báo Thanh tra, tình trạng tranh chấp đất rẫy trên địa bàn tỉnh Đắk Nông diễn biến khá phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất của người dân và an ninh, trật tự tại địa phương.

Các hộ ông Phan Xuân Nguyên, Nguyễn Duy Linh (xã Quảng Sơn) cho biết: Năm 2009, 2 gia đình có hùn vốn mua 11ha đất của bà Nguyễn Thị Mão (thường trú tại bon N’ Ting, xã Quảng Sơn) bằng giấy viết tay. Sau đó, ông Nguyên và ông Linh canh tác được khoảng 3 năm thì xảy ra tranh chấp với ông Nguyễn Thành (phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành khẳng định lô mua lô đất trên từ năm 2004 của rất nhiều hộ dân, không lấy đất của ông Phan Xuân Nguyên và ông Nguyễn Duy Linh. Khi làm việc với UBND xã Quảng Sơn, các bên mới tá hoả rằng vị trí xảy ra tranh chấp thuộc lô 7, 16, 14 khoảnh 5 và lô 14, 6, 17 khoảnh 7 tiểu khu 1685 chưa được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Những vụ tranh chấp “đất giấy tay” làm chính quyền địa phương “đau đầu” khi phải xác minh nguồn gốc, ranh giới và thậm chí vụ tranh chấp còn kéo dài vì các bên “ai cũng bỏ tiền mua đất bằng giấy viết tay”. Do đó, UBND xã Quảng Sơn đang tuyên truyền, vận động người dân không nên mua, bán đất bằng hình thức viết tay, đất không rõ nguồn gốc, đất rừng và tích cực vào cuộc xử lý các vụ việc để ổn định tình hình sản xuất, an ninh trật tự tại địa phương.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông nhìn nhận, việc mua bán bằng giấy viết tay là giao dịch dân sự, người dân tự thỏa thuận với nhau. Các giao dịch này tiềm ẩn những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự và gây nhiều khó khăn trong quản lý đất đai tại địa phương.

“Mặc dù quy định của pháp luật không công nhận các giao dịch đất mà không có các giấy tờ hợp pháp nhưng việc này vẫn xảy ra nhiều ở Đắk Nông và dẫn đến nhiều hệ lụy”, một cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết.

Theo phân tích của các luật sư, điều kiện để chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không bị tranh chấp, không bị kê biên thi hành án. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực. Do đó, trước khi giao dịch mua bán, người dân nên liên hệ với UBND phường, xã để tìm hiểu đất đã có sổ hồng, sổ đỏ chưa hay giấy chứng nhận có bị cạo sửa, cắt dán không, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thật hay giả để phòng tránh rủi ro.