Đảm bảo thực thi nghiêm quy trình xây dựng pháp luật
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật Trình bày báo cáo ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) về dự thảo Nghị quyết Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, tại khoản 3 Điều 7 của dự thảo Nội quy đã bổ sung “chế tài” đối với việc chậm gửi tài liệu. Theo đó, “Danh sách các tài liệu chính thức và tên cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu QH”.
Tán thành việc bổ sung quy định này, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cân nhắc bổ sung quy định “Cơ quan thẩm tra không tiến hành thẩm tra dự án, dự thảo khi chưa đủ các tài liệu trong hồ sơ hoặc hồ sơ gửi không đúng thời hạn” tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vào dự thảo Nội quy để bảo đảm sự đồng bộ trong quy định của luật và Nội quy kỳ họp. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định giao Văn phòng QH theo dõi, tổng hợp danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi tài liệu chậm, lý do gửi chậm làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ khi QH tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) bày tỏ tán thành với hình thức chế tài nhằm khắc phục tình trạng các cơ quan chậm gửi tài liệu. Tuy nhiên, Đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn thời hạn gửi tài liệu chính thức của kỳ họp đến đại biểu QH. Ví dụ, thời hạn gửi tài liệu đến đại biểu QH chậm nhất là 7 ngày trước ngày khai mạc đối với cuộc họp thường lệ và chậm nhất là 5 ngày trước ngày khai mạc đối với kỳ họp bất thường, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Ủy ban Thường vụ QH. Theo Đại biểu, việc quy định như vậy sẽ hạn chế việc gửi tài liệu chậm, đại biểu không có thời gian nghiên cứu kỹ nên chất lượng tham gia thảo luận vào các nội dung có liên quan tại kỳ họp bị hạn chế.
Đồng quan điểm, Đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc gửi tài liệu kỳ họp đến đại biểu QH đúng thời hạn là khâu hết sức quan trọng. Tuy nhiên, tại các kỳ họp vừa qua, nhiều dự thảo luật, dự án, nghị quyết bị gửi chậm, ảnh hưởng rất lớn đến việc nghiên cứu và làm ảnh hưởng đến chất lượng, nội dung tham gia góp ý của đại biểu QH. Theo Đại biểu, việc tổ chức thực thi nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và đảm bảo tính khả thi của các dự án luật được QH thông qua. “Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung trực tiếp vào Điều 7 các chế tài mạnh, chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn theo hướng không trình QH xem xét đối với các dự thảo, dự án không đảm bảo thời hạn gửi theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật Tổ chức QH”, Đại biểu nêu quan điểm.
Xem xét thấu đáo các quy định liên quan đến khám, chữa bệnh
Thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB) (sửa đổi) chiều 8/9, Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) nhấn mạnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động KCB là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Trong khi đó, dịch vụ KCB là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Theo Đại biểu, để thực hiện nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm và đảm bảo quyền lợi của người bệnh trong bối cảnh hệ thống y tế công ngày càng quá tải và nguy cơ dịch bệnh ngày càng gia tăng như hiện nay, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KCB cần được thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.
Tán thành với sự cần thiết phải có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển để cùng với y tế công đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, Đại biểu cũng kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát bằng cách quy định khung giá dịch vụ KCB đối với cơ sở y tế tư nhân để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng công bằng giữa khu vực công và tư. Cùng với đó, cũng cần thống nhất quản lý giá KCB của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa khu vực công và tư, đảm bảo quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, vấn đề giá dịch vụ KCB là vấn đề phức tạp của ngành Y tế, nếu giải quyết hiệu quả sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành Y tế. Theo Đại biểu, lần sửa đổi Luật này là cơ hội lớn để tháo gỡ những vướng mắc, hướng tới thực hiện đúng chủ trương của Đảng về việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB; sửa đổi các quy định hiện hành để các cơ sở y tế quản lý được, thực hiện được một cách công khai, thuận lợi. Từ đó, Đại biểu đề nghị sửa đổi dự thảo Luật theo hướng nhấn mạnh tiêu chí “tính đúng, tính đủ” giá dịch vụ y tế. Đồng thời, quy định cụ thể về chủ thể xác định giá dịch vụ, đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
Với lý do đây là dự án luật rất quan trọng, không chỉ là kim chỉ nam cho xử lý những vấn đề trước mắt, những vấn đề đang rất bức xúc mà còn là nền tảng và kim chỉ nam cho cả hệ thống y tế tiệm cận với nền y tế tiến bộ, nhiều đại biểu đề nghị QH thông qua dự án Luật trên theo quy trình 3 kỳ họp để có thời gian xem xét thấu đáo hơn các quy định. Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị cần có những chính sách cụ thể đối với ngành Y tế, nhất là trong đấu giá, đấu thầu; đồng thời có những chính sách đặc thù để tháo gỡ những tồn tại hiện nay.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 250 ra ngày 7/9/2022)