1. Trang chủ /
  2. An toàn thực phẩm dịp Tết: Đến hẹn lại... lo

An toàn thực phẩm dịp Tết: Đến hẹn lại... lo

thứ ba, 20/12/2022 11:49 GMT+07
Thời điểm cuối năm, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại trở nên “nóng” hơn bao giờ hết bởi lượng tiêu thụ thực phẩm tăng đột biến. Lợi dụng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, đối tượng xấu đã trà trộn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP vào thị trường khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng…

Diễn biến phức tạp

Thực tế, nhiều năm qua, quản lý ATTP vẫn là bài toán khó khiến các cơ quan chức năng đau đầu. Càng gần đến Tết Nguyên đán, số vụ việc thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng bắt giữ càng nhiều.

Đơn cử, mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một vụ vận chuyển gần 2 tấn nội tạng động vật bẩn đang trên đường di chuyển đi tiêu thụ tới các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội.

Đáng nói, gần 2 tấn nội tạng động vật bao gồm nầm lợn và trứng non đông lạnh đang trong quá trình phân hủy, không đủ điều kiện làm thực phẩm cho người. Những dấu vết ở bên ngoài thùng xốp cho thấy, toàn bộ số nầm lợn, trứng non đông lạnh này có xuất xứ từ nước ngoài.

Theo đại diện Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội, nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật này có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng tại địa bàn TP.

Trước đó không lâu, kiểm soát trên Quốc lộ 32, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã phát hiện một xe tải chứa nhiều thùng carton in chữ Trung Quốc có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Khi kiểm tra, lái xe khai nhận số hàng trên là mứt, kẹo phục vụ cho dịp Tết và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Không chỉ ở Hà Nội, tại tỉnh Bắc Ninh, vấn đề kiểm soát nguồn gốc ATTP, đặc biệt tại các chợ dịp cuối năm cũng là bài toán khó với cơ quan chức năng. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có hơn 100 chợ lớn, nhỏ đang hoạt động. Phần lớn các chợ truyền thống có cơ sở hạ tầng không đảm bảo, do vậy tiềm ẩn nguy cơ hàng hóa kém chất lượng, mất ATTP.

Theo Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các chợ chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ. Trong khi đó, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thiếu kiến thức về ATTP, chạy theo lợi nhuận nên không ít sản phẩm thực phẩm không bảo đảm vẫn được bày bán tại các chợ.

Qua thanh tra, kiểm tra tại các chợ, Ban Quản lý ATTP tỉnh phát hiện các lỗi vi phạm chủ yếu như: Thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã quá hạn sử dụng; môi trường nơi kinh doanh bị ô nhiễm; người trực tiếp chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa được khám sức khỏe định kỳ, chưa được tập huấn kiến thức về ATTP…

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm cũng rất khó khăn do phần lớn các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, không có khả năng nộp phạt, hoặc không nộp phạt, trong khi chưa có chế tài xử lý hành vi này.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ, thời gian qua, Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng và ban hành “bảng kiểm đánh giá chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn tỉnh”.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý ATTP tỉnh tổ chức tập huấn, tuyên truyền về ATTP cho các tiểu thương sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ và thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ.

Tỉnh Bắc Ninh cũng đã xây dựng mô hình “Chợ thí điểm bảo đảm ATTP” tại chợ thị trấn Phố Mới, huyện Quế Võ; chợ thị trấn Thứa, huyện Lương Tài và chợ thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình.

Ban Quản lý ATTP tỉnh tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP đối với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” hoành hành trong dịp cuối năm gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: Công tác đảm bảo ATTP đã được triển khai đồng bộ tới tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội.

Các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP cũng tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; phạt hành chính và thông báo tên, địa chỉ liên quan tới cơ sở vi phạm qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài kiểm tra, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành về ATTP đối với người chế biến, kinh doanh thực phẩm.

“Trong dịp Tết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi lấy mẫu thực phẩm ngoài thị trường cũng như tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm để phát hiện, xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và cảnh báo trong cộng đồng” - bà Lê Thị Hằng cho biết.

Trong nỗ lực đưa thực phẩm an toàn tới tay người dùng, Hà Nội cũng thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của TP để thanh tra, kiểm tra các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội và có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm… Thời gian cao điểm của đợt kiểm tra diễn ra từ ngày 15/12/2022 đến hết 12/3/2023.

Hà Nội yêu cầu các đoàn thanh tra, kiểm tra ATTP khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để những sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường…

Hải Hà