1. Trang chủ /
  2. Đắng đót nỗi buồn phía sau nụ cười trào phúng của Tú Xương

Đắng đót nỗi buồn phía sau nụ cười trào phúng của Tú Xương

thứ tư, 16/3/2022 22:40 GMT+07
(PLM) - Tú Xương là nhà thơ nổi tiếng Việt Nam. Ông nổi bật nhất với giọng thơ trào phúng. Tuy vậy, ngoài giọng điệu này, Tú Xương còn có nhiều bài khác nói về nỗi buồn của chính mình.
Nhà thơ Tú Xương. Ảnh internet
Nhà thơ Tú Xương. Ảnh internet

Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương (1870 – 1907), tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh), là người Nam Định. Tài thơ Tú Xương được người đời sau đánh giá cao.

Nguyễn Công Hoan coi Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ. Xuân Diệu xếp hạng Tú Xương thứ 5 sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm. Nguyễn Tuân nhận xét Tú Xương là: một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam.

Về chân dung Tú Xương, đến nay, chúng ta biết qua bài thơ của người bạn học là hạc phong Lương Ngọc Tùng viết:

Cùng làng, cùng phố, học cùng trường

Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương

Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết

Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương

Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú

Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường

Mấy chục năm trời đà vắng bóng

Nghìn năm còn rạng dấu thư hương.

Bài thơ này cho thấy Tú Xương có trán rộng, da trắng, tai dày, mắt sáng… Tú Xương thường được biết đến là nhà thơ trào phúng. Xem qua các tác phẩm này, người đọc dễ bật cười. Tuy nhiên, ông còn có những bài thơ khác, cho thấy một khía cạnh khác về tài thơ và nội tâm Tú Xương.

Bụng buồn còn muốn nói năng chi

Đệ nhất buồn là cái hỏng thi!

Một việc văn chương thôi cũng nhảm

Trăm năm thân thế có ra gì?

Được gần trường ốc vùng Nam Định

Thua mãi anh em cánh Bắc Kỳ

Rõ thực nôm hay mà chữ dốt

Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy.

(Buồn thi hỏng)

Như chúng ta đã biết, Tú Xương đã nhiều lần hỏng thi, nên bài Buồn thi hỏng cho thấy tâm trạng chán chường của ông. Với Tú Xương, buồn nhất là hỏng thi. Để tránh hỏng thi, ông cũng có đổi tên, nhưng cuối cùng vẫn thi trượt. Việc này khiến ông từng than: “Tế đổi làm cao mà chó thế/ Kiện trông ra tiệp hỡi trời ôi!”.

Hay như bài Cảm hứng cũng cho thấy tâm trạng buồn vì chuyện thi cử của Tú Xương.

Xấp xỉ ba mươi mấy tuổi đầu

Trăm năm tính đốt hẳn còn lâu

Ví cho thi đỗ làm quan lớn

Thì cũng nhỏ to cưới chị hầu!

Đất nọ vẫn thường hay có chạch

Bể kia có lúc cũng trồng dâu

Hôm nay rỗi rãi buồn tình nhỉ

Thử xuống Hàng Thao đập ngón chầu.

Ta thấy Tú Xương cũng hay viết về đêm. Và đêm của ông luôn buồn, luôn bơ vơ.

Kìa cái đêm nay mới gọi đêm!

Mắt giương, trong bụng ngủ không thèm

Tình này ai tỏ cho ta nhỉ?

Tâm sự năm canh một ngọn đèn.

(Dạ hoài)

Dạ hoài là bài thơ thể hiện được sự cô đơn của Tú Xương. Nỗi lòng không biết tỏ cùng ai, chỉ có vật vô tri là ngọn đèn bên ông. Chẳng ai hiểu được tình Tú Xương.

Sực tỉnh trông ra ngỡ sáng loà

Đêm sao đêm mãi thế ru mà?

Lạnh lùng bốn bể ba phần tuyết

Xao xác năm canh một tiếng gà

Chim chóc hãy còn nương cửa tổ

Bướm ong chưa thấy lượn vườn hoa

Nào ai là kẻ tìm ta đó

Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà!

(Đêm dài)

Hay như bài Đêm dài, có vẻ như Tú Xương viết bài này trong tâm trạng vừa bất chợt tỉnh ngủ. Lúc này chỉ nghe xao xác được một tiếng gà, chim chóc bướm ong chưa thấy. Ông hình dung có kẻ đang tìm ông trong bóng đêm, và khuyên nên đốt đuốc mà tìm. Vả chăng, đây là bài thơ thể hiện rõ nhất sực cô độc của một bậc thầy thơ trào phúng.

Có thể bạn quan tâm