Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc
Đề xuất nhiều sáng kiến phòng, chống tham nhũng tiêu cực
Phát biểu dẫn đề hội thảo, Viện trưởng Viện CL&KHTT Nguyễn Quốc Văn cho biết, trong năm 2023, công tác PCTN, tiêu cực tại Việt Nam không chỉ đạt được những kết quả tích cực về phương diện phát hiện và xử lý tham nhũng mà còn có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng và hoàn thiện thể chế về PCTN, tiêu cực; về thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; về đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan chuyên trách PCTN, tiêu cực.
Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác PCTN, tiêu cực hơn 10 năm qua là minh chứng khẳng định quyết tâm thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào". Điều này đã để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận và góp phần bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Bên cạnh kết quả đạt được, Viện trưởng Viện CL&KHTT cho rằng, đến nay công tác PCTN, tiêu cực còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong bối cảnh tham nhũng, tiêu cực vẫn được nhìn nhận là một trong những nguy cơ đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam; đặc biệt trên một số lĩnh vực, tham nhũng còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế...
“Thiết thực chào mừng Ngày Quốc tế Chống tham nhũng - 9/12, với chúng tôi, việc tổ chức hội thảo khoa học này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để các nhà khoa học và các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu quốc tế trao đổi và chia sẻ ý kiến góp phần hoàn thiện, nâng cao và đảm bảo hiệu quả, hiệu lực của các giải pháp PCTN, tiêu cực trong thời gian tới”, ông Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các nội dung liên quan tới: Bối cảnh của công tác PCTN của Việt Nam hiện nay - những thuận lợi, khó khăn, thách thức và cơ hội; thực trạng tham nhũng, tiêu cực, hậu quả của nó và những dự báo trong thời gian tới; kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập, khó khăn trên các mặt công tác PCTN, gắn với trách nhiệm của các chủ thể công và tư trong PCTN trên từng lĩnh vực.
Nhiều đại biểu đã đưa ra đề xuất các quan điểm, giải pháp, sáng kiến về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc PCTN; nghiên cứu lý luận - tổng kết thực tiễn về kiểm soát quyền lực PCTN; hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước nhằm PCTN; nâng cao hiệu quả quản lý điều hành và tổ chức thực thi chính sách - pháp luật về PCTN; nâng cao hiệu quả của các thiết chế chuyên trách PCTN; phát huy vai trò của xã hội trong PCTN; về lồng ghép giới trong chính sách và thực tiễn PCTN; nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước và quản trị xã hội nhằm PCTN; về hợp tác công - tư trong PCTN; giáo dục liêm chính PCTN trong hoạt động công vụ và trong nhân dân; về hợp tác quốc tế và vận dụng kinh nghiệm quốc tế về PCTN phù hợp với thực tiễn Việt Nam; tiêu chí, phương pháp đo lường, đánh giá tham nhũng và công tác PCTN; bảo đảm sự bền vững trong công cuộc PCTN ở Việt Nam…
Càng công khai, minh bạch thì càng ít tham nhũng, tiêu cực
Tại hội thảo, nguyên Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh đã có một số kiến nghị cụ thể để hoàn thiện các trụ cột chính về PCTN mang tính phổ cập quốc tế, được thực hiện tốt ở những nước được thừa nhận rộng rãi là những nước có mức tham nhũng thấp như: Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động của nền công vụ, càng nhiều công khai, minh bạch thì càng ít tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện thêm thể chế về kiểm soát tài sản thu nhập; hoàn thiện chể chế về một nền công vụ liêm chính và lành mạnh hóa hình ảnh về nền công vụ và đội ngũ công chức để cải thiện niềm tin của công chúng.
TS Nguyễn Cảnh Lam, Vụ trưởng, Ban Nội chính Trung ương thì cho rằng, phải phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh, kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực tại địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, chấn chỉnh, khắc phục tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, TS Trần Văn Long thì nhấn mạnh giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính.
Ông Long cho rằng, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đề cao trách nhiệm, tinh thần tích cực, chủ động của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính. Phân công nhiệm vụ cụ thể và xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác này; phát huy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin và lựa chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
Ngoài ra, biên soạn đầy đủ, kịp thời các tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cập nhật các quy định pháp luật về PCTN, tiêu cực mới; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật về PCTN, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời tăng cường điều kiện, cơ sở vật chất, bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách phù hợp, tạo động lực cho công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ này.