1. Trang chủ /
  2. Đánh giá kỹ hơn việc thực hiện cơ chế đặc thù khi giám sát các dự án quan trọng quốc gia

Đánh giá kỹ hơn việc thực hiện cơ chế đặc thù khi giám sát các dự án quan trọng quốc gia

thứ tư, 20/3/2024 09:01 GMT+07
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu trên khi chủ trì buổi làm việc của Đoàn giám sát với các Bộ, ngành về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn) Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Quochoi.vn)

Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu

Theo kế hoạch, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội (QH) về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của QH về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và các nghị quyết của QH về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 sẽ làm việc với 12 Bộ, ngành về một số nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát. Ngày 19/3, Đoàn giám sát làm việc với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo báo cáo của các Bộ, ngành tại buổi làm việc, sau 2 năm triển khai, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ. Theo đó, đã hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển nhanh sau dịch COVID-19. Kinh tế nước ta đã phục hồi và phát triển, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn… Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, là mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Tăng trưởng GDP trong năm 2023 là 5,05%, dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức khá cao so với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như việc ban hành một số văn bản hướng dẫn chi tiết còn chậm so với yêu cầu đề ra; chưa dự báo, tính toán, lường hết các khó khăn, vướng mắc, thách thức trong triển khai thực hiện. Việc thực hiện và giải ngân một số chính sách còn chưa được như kỳ vọng; việc triển khai các chính sách hỗ trợ ở một số nơi, một số chỗ, một số thời điểm còn chưa linh hoạt, chủ động, quyết liệt. Việc phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình cho các nhiệm vụ dự án còn chậm, tạo áp lực giải ngân lớn, nhất là trong kế hoạch năm 2023…

Cùng với việc xác định nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, các báo cáo cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất cụ thể trong thời gian tới, như tiếp tục cho thí điểm hoặc nghiên cứu các cơ chế, chính sách đã chứng minh hiệu quả để cụ thể hóa trong quy định pháp luật hiện hành hoặc tiếp tục đề xuất triển khai trong thời gian tới; tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thuộc Chương trình, phấn đấu hoàn thành trong năm 2024…

Rút kinh nghiệm trong ban hành và triển khai các chính sách

Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao kết quả cũng như nỗ lực của các Bộ, ngành trong công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15; thống nhất với nhiều kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc cũng như bài học kinh nghiệm và giải pháp các Bộ, ngành kiến nghị. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị các báo cáo cần làm rõ những chính sách khả thi, chính sách chưa khả thi; từ đó, xác định cụ thể những chính sách nên tiếp tục thực hiện và chính sách nên dừng thực hiện.

Nhấn mạnh về kết quả đầu ra, các đại biểu đề nghị từng báo cáo cần định lượng được số lượng công trình, các nhiệm vụ dự án đã thực hiện được, chưa thực hiện được và dự kiến khả năng hoàn thành. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị các Bộ, ngành chỉ rõ những quy định còn vướng, cần tiếp tục hoàn thiện; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với những mục tiêu, nội dung chưa hoàn thành…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, trước tình hình đất nước vô cùng khó khăn, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được QH thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất với nguồn lực lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Lưu ý việc một số chính sách chưa đạt được như kỳ vọng, mục tiêu đề ra khi ban hành Nghị quyết, Phó Chủ tịch QH đề nghị, các Bộ, ngành, cơ quan cần tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc ban hành và triển khai các chính sách, nhất là các chính sách ban hành trong tình hình đặc biệt để xử lý tình huống đặc biệt, cấp bách; đánh giá kỹ hơn về việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình và các dự án quan trọng quốc gia...