Đánh giá thấu đáo tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính
Cuộc làm việc nhằm tiếp thu, giải trình và kiến nghị, đề xuất các nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210/2016/NQ-UBTQH13 ngày 25/6/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về phân loại đô thị (Nghị quyết 1210) và Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 của UBTVQH về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính (ĐVHC) và phân loại ĐVHC (Nghị quyết 1211).
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, qua 6 năm thực hiện, đặc biệt là qua kết quả sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 -2021 cho thấy, về cơ bản, cả 2 nghị quyết vẫn đang phát huy giá trị tích cực, giúp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc chia tách các ĐVHC, góp phần nâng cao chất lượng đô thị, tạo cơ sở pháp lý cho việc phân loại đô thị, phân loại ĐVHC và sắp xếp thu gọn số lượng các ĐVHC.
Trước yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đặt ra yêu cầu về sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp
xã chưa đạt 50% về tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Thực hiện các nội dung chỉ đạo này, việc thực hiện sắp xếp ĐVHC trong thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực.
Do đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm của Chính phủ và các bộ là chưa nên đặt vấn đề thay đổi, điều chỉnh một cách toàn diện các tiêu chuẩn của ĐVHC; tiêu chí, tiêu chuẩn về phân loại đô thị tại thời điểm hiện nay để bảo đảm tính nhất quán, ổn định trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp các ĐVHC. Phạm vi sửa đổi, bổ sung 2 nghị quyết như Chính phủ đã đề xuất chỉ tập trung vào sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn, tiêu chí đối với ĐVHC và đô thị có yếu tố đặc thù để phù hợp hơn với điều kiện thực tế, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chỉ đạo mới của Đảng, góp phần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc sắp xếp, kiện toàn các ĐVHC là cần thiết và phù hợp với bối cảnh thực tiễn hiện nay.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ yêu cầu, việc sửa đổi 2 nghị quyết lần này phải làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế; tính toán căn cơ về tiêu chí sửa đổi cũng như định hướng đối với việc sắp xếp lại ĐVHC, phát triển hệ thống đô thị tới đây. “Có nên áp dụng một tiêu chí, tiêu chuẩn chung về ĐVHC, phân loại đô thị cho tất cả các địa phương trong cả nước không hay phải quy định khung tiêu chí để vừa bảo đảm tính thống nhất trong cả nước nhưng đồng thời cũng tính đến tính đặc thù vùng miền để thực hiện cho phù hợp với thực tiễn?”, Chủ tịch QH đặt câu hỏi.
Chủ tịch QH lưu ý, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể không thể cảm tính mà phải có những đánh giá hết sức thấu đáo, trên cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học về quản lý nhà nước, quản lý hành chính, các yếu tố về địa lý, dân cư, xã hội, văn hoá, dân tộc, tôn giáo, phân cấp, phân quyền... để việc sửa đổi đảm bảo tính căn cơ. Chủ tịch QH yêu cầu Ủy ban Pháp luật và Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng là các cơ quan được giao chủ trì giúp QH, Chính phủ chuẩn bị 2 dự thảo nghị quyết nói trên đánh giá toàn diện, giải trình thuyết phục để trình Chính phủ và UBTVQH.
Qua thảo luận, các cơ quan thống nhất về phạm vi sửa đổi, bổ sung 2 nghị quyết theo hướng, chỉ tiến hành sửa đổi những nội dung đã rõ, đã chín, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao giữa các cơ quan; còn những vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất thì tiếp tục nghiên cứu để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung khi có đủ điều kiện.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 211, ra ngày 30/7/2022)