Đảo chính ở Niger: Pháp đàm phán rút quân, Trung Quốc muốn đứng ra hòa giải
Một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Pháp nói với AFP, các cuộc thảo luận về việc rút “một số thành phần quân sự nhất định” đang được tiến hành. Tờ Le Monde cũng đưa tin hôm thứ Ba rằng Pháp đã bắt đầu đàm phán với một số quan chức quân đội Niger về việc rút quân.
Pháp đã phản đối và tuyên bố không công nhận chính quyền quân sự mới của Niger sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 26/7. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông tiếp tục ủng hộ Bazoum, người vẫn đang bị giam giữ.
Nhóm đảo chính Niger gần đây đã kêu gọi đại sứ Pháp và quân đội rời khỏi Niger. Ngoài ra, hàng nghìn người đã biểu tình nhiều ngày ở Thủ đô Niamey nhằm ủng hộ chính quyền quân sự, cũng như các quyết định trục xuất nói trên.
Khoảng 1.500 quân Pháp đang đóng tại Niger trong khuôn khổ hợp tác trước đây giữa hai nước này nhằm chống lại các tổ chức khủng bố ở khu vực Sahel. Niger trở thành tiền đồn quan trọng của Pháp trong sứ mệnh này, sau khi các cuộc đảo chính cũng đã buộc quân đội Pháp phải rút khỏi các nước láng giềng Mali và Burkina Faso.
Trong một diễn biến khác liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Niger là đặc phái viên Jing Feng của Trung Quốc tại quốc gia Tây Phi cho biết nước này mong muốn đứng ra tổ chức hòa giải giữa các bên.
Ông Feng đã có cuộc hội đàm vào hôm thứ Hai với Thủ tướng chuyển tiếp của Niger, Ali Mahamane Lamine Zene, tại Thủ đô Niamey của Niger. Ông cho biết rằng Trung Quốc luôn theo đuổi nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, nhưng theo dõi sát sao tình hình ở Niger.
Ông Feng nói với các phóng viên sau cuộc họp: “Chính phủ Trung Quốc dự định đóng vai trò hòa giải, với sự tôn trọng hoàn toàn đối với các nước trong khu vực, để tìm ra giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Niger. Trung Quốc sát cánh cùng người dân Niger trong hoàn cảnh này”.
Theo các quan chức, Trung Quốc vẫn là đối tác của Niger trong một số lĩnh vực bao gồm năng lượng, dầu mỏ và cơ sở hạ tầng. Hai nước đang hợp tác xây dựng một đường ống xuất khẩu dầu dài 2.000 km nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển dầu thô từ các mỏ Agadem phía Nam Niger đến cảng Seme ở Benin.