Đạo diễn Lê Quý Dương: Làm gì để sân khấu Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ sân khấu thế giới?
Vở “Làm Vua” do Lê Quý Dương làm đạo diễn đạt giải Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc năm 2021.
“Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt mới đây đã nhấn mạnh ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế. Theo ông, sân khấu Việt cần làm những gì để thực hiện hóa điều này?
- “Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phản ánh sâu sắc trí tuệ và tầm nhìn của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Bộ VH,TT&DL trong sự nghiệp phát triển văn hoá của đất nước. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ “Chiến lược” này từ khi chỉ mới là dự thảo.
Tiêu chí lớn nhất là xây dựng nền “công nghiệp văn hoá” cho đất nước trong thời đại mới của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rộng khắp trên toàn thế giới. Đã quá nhiều thập kỷ chúng ta quen với tư duy về một nền văn hoá bao cấp và tồn tại theo kế hoạch mà quên mất rằng văn hoá, trong đó đặc biệt có sáng tạo nghệ thuật, là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng, có đời sống với sức mạnh nội sinh, tạo nên các giá trị đạo đức, nhân văn, niềm cảm hứng và động lực to lớn cho sự phát triển xã hội và con người một cách toàn diện.
“Chiến lược” đã chỉ ra những mục tiêu và hành động rất cụ thể, chi tiết và mang tính khả thi cao. Tuy nhiên, để biến “chiến lược” thành hiện thực lại cần có thêm rất nhiều yếu tố và điều kiện, trong đó quan trọng nhất vẫn là yếu tố “con người”. Một đất nước có nền “Công nghiệp văn hoá” phát triển đầu tiên sẽ đòi hỏi tính “chuyên nghiệp” rất cao trong cơ chế chính sách và những con người tổ chức, quản lý, vận hành, bảo vệ và sáng tạo nên nền văn hoá đó.
Tôi tin tưởng và hy vọng rằng trong tương lai gần, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành địa phương sẽ có chính sách và kế hoạch cụ thể, ưu tiên phát triển yếu tố “con người”, thu hút trí tuệ, tài năng của toàn xã hội, cả trong nước và quốc tế, để làm nền tảng bền vững cho sự nghiệp xây dựng và phát triển một nền “Công nghiệp văn hoá” cho đất nước.
Khi chúng ta đã có một nền “Công nghiệp văn hoá” đúng bản chất và thực sự chuyên nghiệp thì việc giới thiệu, giao lưu và hội nhập các giá trị văn hoá của chúng ta, bao gồm cả các di sản truyền thống và sáng tạo hiện đại, với thế giới sẽ không còn là khó khăn và thách thức nữa.
Hiện Bộ VH,TT&DL đang triển khai sân khấu online. Có nhiều khán giả hưởng ứng, nhưng một số khán giả không đồng ý vì cho rằng sân khấu online bị mất cảm xúc người xem. Họ còn lo lắng khán giả sẽ lười đến nhà hát xem, điều này gián tiếp làm sân khấu “chết mòn”. Vậy theo ông, chúng ta phải dung hoà điều này ra sao, nhất là trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hoá?
- Tôi hoàn toàn ủng hộ chương trình sân khấu online của Bộ VH,TT&DL. Tôi nghĩ việc này cần phải làm từ đầu thế kỷ XXI rồi. Tại sao vậy? Dù rằng sân khấu online có thể mất đi tính sống động trực tiếp vốn là bản chất của nghệ thuật sân khấu biểu diễn trong không gian ba chiều, nhưng nó giải quyết được rất nhiều vấn đề thích ứng với bối cảnh của một thời đại mới.
Thứ nhất, sân khấu online tạo nên cơ hội bình đẳng trong việc thưởng thức cho tất cả các đối tượng khán giả, đặc biệt là các đối tượng khán giả ở vùng sâu, vùng xa, biên cương và hải đảo. Mọi người đều bình đẳng và có quyền được thưởng thức và cảm thụ nghệ thuật, dù có thể với những cấp độ khác nhau tuỳ theo từng điều kiện.
Thứ hai, sân khấu online sẽ mở rộng và nâng cao tính năng giáo dục của nghệ thuật sân khấu. Mỗi vở diễn, ngoài giá trị giải trí, sẽ là một bài học thẩm mỹ và nhân văn, góp phần nâng cao dân trí và ý thức xã hội.
Thứ ba, sân khấu online sẽ tiết kiệm chi phí quản lý vận hành biểu diễn cho nhà hát và tăng doanh thu cho nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn thông qua thu nhập bản quyền quảng cáo và bán vé online.
Thứ tư, sân khấu online sẽ tạo cơ hội thu hút các nhà hát và đoàn nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm hơn, mang tính cạnh tranh và kích thích sáng tạo hơn để có nhiều tác phẩm được sàng lọc và lựa chọn giới thiệu trên chương trình sân khấu online của Bộ VH,TT&DL.
Thứ năm, sân khấu online sẽ mở ra một kênh mới đánh giá tài năng của các nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn hoàn toàn khách quan, minh bạch trên số lượng theo dõi và đánh giá phản hồi trực tiếp của giới chuyên môn và khán giả.
Thứ sáu, sân khấu online sẽ là một kênh chính thức giới thiệu, giao lưu và hội nhập sân khấu Việt Nam với sân khấu thế giới một cách nhanh gọn, tiết kiệm nhất. Với tiêu chí này, tôi đề nghị tất cả các vở diễn sân khấu được chọn đưa vào chương trình sân khấu online của Bộ VH,TT&DL cần phải có phụ đề tiếng Anh hoặc các ngoại ngữ phù hợp với mục tiêu quảng bá giao lưu quốc tế của chương trình.
Nói vậy không có nghĩa là phủ nhận hoặc để sân khấu biểu diễn trực tiếp tại các nhà hát bị “chết yểu”. Chúng ta đang sống giữa thời đại của việc các cá nhân chủ động lựa chọn những gì phù hợp với mục đích, nhu cầu và điều kiện của mình trong tính phong phú, đa dạng của xã hội công nghệ hiện đại. Khán giả nào thích tiện lợi thì mở điện thoại xem sân khấu trên mạng. Khán giả nào thích trực tiếp thì đến nhà hát để thưởng thức tính sống động độc đáo của loại hình nghệ thuật này.
Điều cần lưu tâm nhất là việc nghiên cứu kỹ càng giá vé khi xem trực tiếp tại nhà hát và giá vé khi xem online để phù hợp với điều kiện của khán giả và đảm bảo các thu nhập quảng cáo và bán vé xem qua mạng đúng theo luật pháp và các qui định về bản quyền đối với các nghệ sĩ sáng tạo và biểu diễn.
Đạo diễn Lê Quý Dương với Chủ tịch Hiệp hội Sân khấu Thế giới Mohamed Al Afkham.
Trong “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030”, Việt Nam phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP. Vậy, sân khấu Việt sẽ đóng góp không nhỏ vào số GDP đó thưa ông?
- Tôi tin điều này sẽ khả thi nếu chúng ta thực sự có một chính sách bồi dưỡng, đào tạo, thu hút trí tuệ và biết sử dụng tài năng để có một nền tảng “con người” thật tốt cho chiến lược xây dựng nền “Công nghiệp văn hoá” của đất nước. Trở về Việt Nam từ năm 2005, sau hơn 15 năm sáng tạo, tổ chức, dàn dựng gần một trăm lễ hội văn hoá và di sản trên khắp các tỉnh, thành của cả nước, từ mũi Sa Vỹ huyện Móng Cái địa đầu của Tổ quốc đến Năm Căn đất mũi Cà Mau, từ lâu tôi đã nhận ra rằng đất nước Việt Nam của chúng ta là một kho tàng di sản văn hoá với trữ lượng vô tận mà nhiều đời người có khi vẫn chưa hiểu hết được.
Chúng ta đang sống trong thế giới cả vật thể và phi vật thể vừa phong phú, đa dạng, vừa đặc sắc, độc đáo mà đôi khi chúng ta chưa nhận ra những giá trị quý báu của chính dân tộc mình. Những giá trị đó vừa là nền tảng tinh thần để làm nên tinh hoa Việt Nam, vừa là nguồn của cải vật chất tiềm tàng cho dân giàu, nước mạnh nếu biết khai thác.
Đạo diễn Lê Quý Dương hiện đang là người Việt Nam đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch Diễn đàn Festival Quốc tế. Ông được bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành với hai nhiệm kỳ liên tục 2014 - 2018 và 2018 - 2022 của Hiệp hội Sân khấu Thế giới trực thuộc UNESCO với hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên - ITI/UNESCO, được biết ông đã và tiếp tục giao lưu, quảng bá sân khấu Việt ra thế giới?
- Tại Hiệp hội Sân khấu Thế giới (International Theatre Institute – ITI/UNESCO), chúng tôi xây dựng các định hướng chiến lược và các chương trình hành động cụ thể cho sự phát triển nghệ thuật sân khấu biểu diễn theo các mục tiêu và điều kiện cụ thể của từng châu lục và khu vực.
Được thành lập từ năm 1948, sau chiến tranh thế giới lần thứ II vô cùng tàn khốc, Hiệp hội Sân khấu Thế giới với hơn 70 năm lịch sử hình thành và phát triển đã thực sự trở thành một mái nhà chung của các nền sân khấu và các nghệ sĩ trên khắp năm châu lục.
Chúng tôi nỗ lực phát triển nghệ thuật biểu diễn sân khấu như một hệ phương pháp hiệu quả góp phần xoá đi những nỗi đau quá khứ, hàn gắn những xung đột hiện tại, nâng cao kỹ năng sống cho thế hệ tương lai bằng các chương trình sân khấu học đường, bảo vệ các giá trị sáng tạo bằng các định chế về bản quyền, lưu giữ tài sản tri thức và kinh nghiệm sân khấu bằng các chương trình xuất bản, kích thích sáng tạo bằng các hội thảo và chương trình tập huấn kỹ năng.
Giao lưu chia sẻ bằng các liên hoan sân khấu quốc tế và đặc biệt kết nối các nghệ sĩ sân khấu biểu diễn trên toàn cầu bằng các thông điệp trong ngày kỷ niệm sân khấu thế giới.
Chúng tôi luôn nỗ lực để sân khấu Việt Nam, đặc biệt là các di sản sân khấu truyền thống dân tộc, đóng một vai trò quan trọng và ý nghĩa trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và sân khấu thế giới nói chung.
Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững được Liên Hợp quốc thống nhất thành chương trình hành động chung của toàn thể nhân loại khi bước vào thế kỷ XXI, di sản văn hoá và sáng tạo nghệ thuật trở thành một mục tiêu cơ bản và then chốt. Chiến lược văn hoá của Việt Nam đang đi đúng hướng của thời đại, tạo được niềm tin và năng lượng sáng tạo trong nước cũng như hội nhập hết sức sâu rộng và tích cực với thế giới.
Xin cảm ơn đạo diễn Lê Quý Dương!