Đất nền tại Hòa Bình "tăng nóng", cảnh giác dự án "ma" lộng hành
Nhà đầu tư "thổi giá" cao ngất ngưởng
Trong 2 năm trở lại đây, bất động sản Hòa Bình luôn sôi động, đặc biệt ở phân khúc đất nền. Trong báo cáo thị trường quý I vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, ngay đầu năm 2021, hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền đã diễn ra tại một số địa điểm ở các vùng ven của Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh (tăng 20%), Hưng Yên (tăng 26%), trong đó, giá đất nền ở Hòa Bình tăng cao nhất tới 46% so với năm 2020.
Chị Nguyễn Kiều Oanh - nhà đầu tư ở Hà Nội - chia sẻ, thời gian qua chị cùng nhóm nhà đầu tư đi tới huyện Cao Phong để mua đất nền, nhưng đều thấy "choáng" về giá. Đơn cử, một lô đất 2.300 m2 tại xã Thạch Yên, huyện Cao Phong được rao với giá 1,7 tỷ đồng, nhưng khi tìm hiểu, trước đó khoảng 6 tháng chủ đất mua lại của người dân khu vực chỉ có 700 triệu đồng.
Còn anh Minh Hiếu - một môi giới nhà đất lâu năm ở khu vực Hòa Bình thừa nhận, đất nền diện tích lớn là phân khúc được nhà đầu tư lựa chọn nhiều nhất trong thời gian qua. Do đó, những người mua cách đây khoảng 1-2 năm về trước, giờ thường bán được giá cao gấp đôi, vị trí đẹp có khi là gấp 3.
"Đất nền ở TP Hòa Bình và huyện Lương Sơn hiện nay đang có giá cao do có vị trí gần Hà Nội. Nhưng hiện tại, nhà đầu tư cũng đang có xu hướng quan tâm hơn nhiều tới đất nền các huyện Đà Bắc, Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Sơn. Ngoài yếu tố giá rẻ, nguyên nhân khác nữa là do quy hoạch hồ Hòa Bình đã được phê duyệt, nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng quanh đó được triển khai là yếu tố dự đoán giá đất nền sẽ tăng", anh Hiếu nói.
Theo ghi nhận của Dân trí, thị trường bất động sản Hòa Bình đón đợt "sóng" tăng giá mới với nhiều loại đất rừng, đất nông nghiệp, đất vườn và cả bất động sản nghỉ dưỡng tập trung ở một số địa bàn trọng điểm như TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn, Kim Bôi, Cao Phong…
Một số dự án đất nền tại TP Hòa Bình có mức tăng gần 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại khu vực bờ trái sông Đà, hiện mức giá chuyển nhượng từ 21 - 24 triệu đồng/m2 các lô đất phía trong, còn với lô mặt tiền đường lớn được nhận định lên đến trên 30 - 40 triệu đồng/m2. Hay, tại dự án Sudico, giá đất mặt tiền khu vực đường rộng được rao bán với mức giá 35 - 40 triệu đồng/m2, các lô đất phía trong chỉ ở mức 17 - 18 triệu đồng/m2.
Một số nhà đầu tư thừa nhận, các yếu tố như quy hoạch hồ Hòa Bình, các dự án bất động sản được các tập đoàn, công ty lớn đến tìm hiểu đầu tư tại các huyện, thành phố… khiến giá đất tăng cao. Tuy nhiên, giao dịch hiện không quá nhiều, giá chuyển nhượng được môi giới "thổi" khá mạnh so với thực tế.
Cảnh báo dự án "ma"
Trước tình trạng "sốt nóng" của thị trường, Sở Xây dựng Hòa Bình đã nhiều lần ra văn bản cảnh báo về các dự án bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh bất động sản; các dự án bất động sản đủ điều kiện huy động vốn; các dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh bất động sản và cảnh báo rủi ro khi mua bán đất nền chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản tại các dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Cơ quan quản lý tỉnh Hòa Bình cũng chỉ đích danh 8 dự án bất động sản không có trên địa bàn, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chưa đủ cơ sở pháp lý, không đủ điều kiện huy động vốn và kinh doanh bất động sản (dự án ma). Cụ thể: TP Hòa Bình có dự án Kai Village Resort, Ohara Villas & Resort tại xã Mông Hóa, The Moon Vilage tại xã Yên Quang; huyện Lương sơn có dự án "ma" là Mountain Villa - Lương Sơn, Green Oasis Hòa Bình; Beverly Hill Lương Sơn - Hòa Bình, Vịt cổ xanh Ecologe Việt Pháp và Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecologe (huyện Đà Bắc).
Nhìn nhận về thị trường bất động sản Hòa Bình, theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Hòa Bình là một trong những địa phương mới nổi được quan tâm của nhiều nhà đầu tư bất động sản. Từ năm 2007, nhiều đại gia đã xuất hiện tại Hòa Bình để đầu tư mua đất nhưng tốc độ triển khai đến nay chưa thực sự tốt. Mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp tham gia tại thị trường bất động sản địa phương này.
Nhiều vùng tại Hòa Bình tăng giá đất tới 3 lần như Lương Sơn, Kim Bôi, Đà Bắc… Đồng thời, giá đất đai các vùng lân cận cũng tăng đáng kể so với trước đó.
Cũng theo vị chuyên gia này, Hòa Bình đang là một trong những địa phương bị đẩy giá bất động sản cao bất bình thường, một phần do thiếu nguồn cung. Thực tế, Hòa Bình cũng như các địa phương khác đang có nhiều dự án gặp khó khăn về pháp lý nên chưa thể ra hàng.
Tuy nhiên, thị trường có những nơi tăng giá và những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ không tham gia vào thị trường này. Việc tăng giá thời gian vừa qua có lỗi từ nhiều phía, trong đó có lỗi ở việc thông tin không rõ ràng nên không đánh giá được giá trị thực của bất động sản và một số người sẽ bị rơi vào vòng xoáy sốt ảo.
Ngoài những rủi ro cho nhà đầu tư mới, một số chuyên gia cho rằng, thông tin về sốt đất cùng với những chiêu thổi giá của môi giới sẽ khiến cho thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng sau này trên địa bàn xã nói riêng và huyện Lương Sơn nói chung gặp khó khăn.