1. Trang chủ /
  2. Đấu giá tài sản có giá trị hàng trăm tỷ đồng tại Bình Dương: Bài 1: Nhiều bất thường trong quá trình tổ chức đấu giá

Đấu giá tài sản có giá trị hàng trăm tỷ đồng tại Bình Dương: Bài 1: Nhiều bất thường trong quá trình tổ chức đấu giá

thứ năm, 17/8/2023 19:49 GMT+07
Công ty Đấu giá Hợp danh Công Lập (Công ty Công Lập) bị phản ánh là có dấu hiệu “thông đồng, dìm giá” và cản trở khách hàng tiếp cận tới việc đăng ký tham gia đấu giá khi tổ chức đấu giá tài sản, vi phạm nhiều quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Công ty Đấu giá Hợp danh Công Lập. Nguồn: https://daugiaconglap.com.
Công ty Đấu giá Hợp danh Công Lập. Nguồn: https://daugiaconglap.com.

Hạn chế khách hàng tham gia đấu giá?

Ngày 19/06/2018, Chấp hành viên Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương và Công ty Công Lập ký Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 48 để bán đấu giá tài sản là: Quyền sử dụng đất đối với khu đất có tổng diện tích 158.392.9 m2; công trình xây dựng trên đất có tổng diện tích 21.847.8 m2.

Toàn bộ tài sản nêu trên thuộc thửa đất số 198, tờ bản đồ số 08 và thửa đất số 25, tờ bản đồ số 069 tại địa chỉ khu phố 6, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Tại các thông báo đấu giá: Lần 1, Thông báo đấu giá số 146/TB-CL ngày 19/06/2018; lần 2, Thông báo đấu giá số 241/TB-CL ngày 04/10/2018; lần 3, Thông báo đấu giá số 259/TB-CL ngày 19/11/2018, Công ty Đấu giá Hợp danh Công Lập đã đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá. Theo đó, tại các thông báo đấu giá nêu trên, Công ty Công Lập yêu cầu: “Người đăng ký tham gia đấu giá phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án, có ngành nghề kinh doanh phù hợp với dự án, không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó”.

Việc đưa ra các yêu cầu và điều kiện nói trên đối với khách hàng đăng ký tham gia đấu giá là chưa phù hợp với quy định phát luật.

Việc này đã được Kết luận Thanh tra số 50/KL-TTR ngày 24/12/2019 của Thanh tra Bộ Tư pháp xác định và nêu rõ: “Việc Cục Thi hành án dân sự và Công ty Công Lập đưa điều kiện phải có ngành nghề kinh doanh phù hợp với dự án là không phù hợp theo quy định tại Khoản 1, Điều 38 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, có dấu hiệu hạn chế khách hàng tham gia đấu giá”.

Hệ quả dẫn tới thực tế, qua 3 lần thông báo công khai việc đấu giá vẫn không có khách hàng nào đăng ký tham gia đấu giá đối với tài sản nêu trên. Bởi lẽ, các yêu cầu và điều kiện mà Công ty Công Lập đặt ra vô hình trung đã trở thành “rào cản” rất lớn ngăn chặn khách hàng tham gia đấu giá tiếp cận tới tài sản đấu giá nêu trên.

 Có hay không hành vi thông đồng, dìm giá?

Lấy lý do không có khách hàng đăng ký tham gia đấu giá qua 3 lần thông báo đấu giá nêu trên, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương và Công ty Công Lập đã nhiều lần giảm giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Cụ thể, qua các lần giảm giá, giá khởi điểm của tài sản đấu giá đã giảm từ 246.342.990.552 đồng xuống chỉ còn 211.208.321.526 đồng.

Đáng chú ý, sau 3 lần tổ chức đấu giá bất thành vì các yêu cầu và điều kiện mà Công ty Công Lập đặt ra cho khách hàng tham gia đấu giá, tại Thông báo đấu giá lần thứ 4 ngày 08/01/2019, Cục Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương và Công ty Công Lập đã thỏa thuận để hủy bỏ các yêu và điều kiện đã đặt ra cho khách hàng tham gia đấu giá do không phù hợp với quy định của pháp luật. Kết quả sau khi hủy bỏ các yêu cầu và điều kiện nêu trên, đã có 2 khách hàng đủ điều điều kiện tham gia đấu giá là: Công ty Cổ phần Cao su Tài Phát và Công ty Cổ phần Bất động sản Lộc Đại Phát.

Như vậy: Việc đặt ra các yêu cầu và điều kiện không phù hợp với quy định của pháp luật để hạn chế khách hàng tham gia đấu giá tiếp cận tới tài sản đấu giá, rồi căn cứ vào việc không có khách hàng đăng ký tham gia đấu giá để giảm giá khởi điểm của tài sản đấu giá khiên dư luận đặt dấu hỏi, liệu có dấu hiệu của việc thông đồng, dìm giá hay không?

Bài 2: Cần đánh giá lại một cách toàn diện quy trình tổ chức đấu giá tài sản