Đầu năm học lại “nóng” chuyện giá sách giáo khoa
Chạy đôn đáo mua sách cho con
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên triển khai sách giáo khoa (SGK) mới các lớp 3, 7 và 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tuy nhiên trên thực tế, việc công bố danh mục SGK lớp 3, 7, 10 của các địa phương lựa chọn sử dụng trong nhà trường diễn ra chậm hơn nhiều so với thời gian quy định. Đặc biệt, đối với SGK lớp 10, ở nhiều môn học, học sinh sẽ lựa chọn từ các tổ hợp môn học khác nhau nên các tên sách cụ thể và số lượng tương ứng phụ thuộc rất nhiều vào sự lựa chọn của học sinh tại từng nhà trường, từng địa phương. Tại các nhà trường, mỗi khối lớp thường có tối thiểu 2 - 3 loại SGK khác nhau và mỗi trường lại chọn các loại sách khác nhau. Vì thế, phụ huynh, học sinh khi mua sách khá vất vả chọn lựa theo yêu cầu của các nhà trường.
Chị N.A (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chị đã dành 4 ngày để tìm mua mới đủ được các loại SGK cho con vào học lớp 1. Chị T.N (ở Mỹ Đình, Hà Nội) cũng chia sẻ, chỉ riêng việc đi tìm sách Tiếng Anh lớp 8 cho con, chị đã chạy khắp các nhà sách mà không có. Theo chị T.N, một bộ SGK khá nhiều tiền bởi đi kèm quá nhiều sách tham khảo, trong khi không phải gia đình nào cũng có điều kiện bỏ ra số tiền từ 500 ngàn đồng trở lên mua một bộ sách cho con.
Nhiều phụ huynh bày tỏ, mua sách vất vả như vậy nhưng không tái sử dụng được, sách của con lớn học xong lại bỏ đi, con sau lại học theo chương trình khác. Thế nên, với nhiều gia đình có hai con đang độ tuổi đến trường, chỉ riêng tiền chuẩn bị cho con bước vào năm học mới đã hết tháng lương của phụ huynh, chưa kể tiền học thêm và đóng góp đầu năm học…
Giá SGK làm sao để chia sẻ với người tiêu dùng?
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới ngày 12/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải rốt ráo để sớm báo cáo Chính phủ quyết định việc trích ngân sách nhà nước mua SGK, đưa vào thư viện trường học dùng chung ngay trong năm học này.
Vấn đề này cũng thu hút nhiều luồng ý kiến. Theo bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị: “Nếu thực hiện được việc dùng ngân sách mua SGK đưa vào thư viện các trường sẽ rất tốt. Tuy nhiên, chỉ nên hỗ trợ các trường miền núi, vùng khó khăn và các trường hợp học sinh con em gia đình thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn ở các trường học khác, không phải áp dụng cho tất cả học sinh. Khi có chủ trương chung, việc thực hiện mua SGK đổ vào thư viện sẽ thuận lợi. Đầu năm học, các em sẽ mượn các bộ sách để học, có ý thức giữ gìn sách vở cuối năm trả lại thư viện nhà trường”.
Nhưng có quan điểm cho rằng việc lập thư viện cho học sinh mượn sách cũng đặt ra nhiều vấn đề, bởi SGK hiện tại có nhiều phiên bản khác nhau và “cải cách” thường xuyên hàng năm, nên những bản trong thư viện sẽ sớm bị lỗi thời và không tái sử dụng được. Cũng theo quan điểm này, tại các đô thị, hầu hết người dân không khó khăn đến mức không đủ tiền cho con mua một bộ sách đúng chuẩn (một bộ sách duy nhất; không có quá nhiều những sách phụ trợ hướng dẫn đính kèm...). Vì thế, giải pháp lâu dài vẫn là Bộ GDĐT tập trung các nhà giáo ưu tú, kết hợp với các tài liệu nước ngoài để soạn ra một bộ sách chuẩn đối với mỗi lớp và thống nhất sử dụng trên cả nước. Để tăng sự cạnh tranh và giảm giá thành, Nhà nước miễn phí bản quyền và cho phép các NXB in và phổ biến SGK.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, giải pháp trên chỉ mang tính tình thế và chưa giải quyết được ngọn nguồn của vấn đề giá SGK đang cao như hiện nay. Ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, cho hay, dù dùng ngân sách quốc gia mua SGK cho học sinh mượn hay Nhà nước định giá SGK thì vẫn phụ thuộc vào gốc của vấn đề là khâu giá SGK. Khâu tiên quyết ở đây vẫn là giảm giá sách tối đa có thể.
“Chúng tôi đã từng nêu nhiều giải pháp về chủ quan và khách quan có thể giảm được giá SGK. Trước hết cơ quan quản lý nhà nước về in và phát hành SGK vẫn có thể yêu cầu giảm số đầu SGK, không nhất thiết tất cả các môn học hoặc hoạt động giáo dục đều cần có SGK. Sách hướng dẫn cho giáo viên vẫn được coi là SGK vì thế các môn học như Thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Đạo đức, Nghệ thuật… chỉ cần có sách cho giáo viên là đủ” - ông Đặng Tự Ân bày tỏ.
Nghiêm cấm giáo viên vận động học sinh mua sách tham khảo
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ban hành chỉ thị nghiêm cấm cán bộ, giáo viên vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới mọi hình thức; đồng thời, yêu cầu giám đốc các Sở GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương quán triệt chỉ thị và tuyên truyền đến từng cán bộ, giáo viên, học sinh bảo quản SGK để tái sử dụng lâu dài. Bên cạnh đó, các nhà trường không được vận động học sinh hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ GDĐT phê duyệt; không lập danh mục, đóng gói thành bộ SGK kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục SGK đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh mua sử dụng.
Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các địa phương bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, cho học sinh mượn sách học tập, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau sử dụng
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 241 ra ngày 29/8/2022)