Đẩy mạnh các phiên tòa trực tuyến, đảm bảo thực thi công lý không chậm trễ
Xét xử hơn 5.400 vụ án theo hình thức trực tuyến
Sáng nay, 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án.
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm về kết quả triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) đề nghị Chánh án cho biết kết quả thực hiện Nghị quyết và các giải pháp cơ bản để giải quyết những bất cập, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong triển khai xét xử vụ án bằng hình thức trực tuyến.
Trả lời các đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đồng thời đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc xét xử trực tuyến; tổ chức tập huấn trên phạm vi toàn quốc về xét xử trực tuyến, yêu cầu tất cả các địa phương có phiên tòa trực tuyến mẫu để các thẩm phán tham khảo, bố trí một phần trang bị hiện có cho xét xử trực tuyến…
“Chúng tôi đã có phiên tòa mẫu cho tất cả các địa phương tham khảo và trên thực tế những ngày đầu việc triển khai còn lúng túng nhưng giờ anh em đã thuần thục hơn”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin.
Kết quả, đến nay, chúng ta đã xét xử được hơn 5.400 vụ án theo hình thức trực tuyến, đã có 647 Tòa án, trong đó có 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 581 Tòa án nhân dân cấp huyện.
“Việc tổ chức phiên xét xử trực tuyến có rất nhiều tác dụng, đảm bảo cho công lý được thực thi không chậm trễ; những người ở vùng dịch, ở xa, ở nước ngoài hoặc đang nhiễm bệnh đều có thể tham gia phiên tòa trực tuyến mà không phải đến trực tiếp. Quan trọng hơn, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến giúp tiết kiệm rất lớn cho xã hội, cho cơ quan công an, viện kiểm sát và tòa án, nhất là với các vụ án hình sự phải dẫn giải bị can, bị cáo với quãng đường dài”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Nêu những khó khăn trong việc triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, hiện nay, các Tòa án nhân dân chưa được đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến đồng bộ.
Các thiết bị đang sử dụng phục vụ cho xét xử trực tuyến chủ yếu tận dụng các trang thiết bị họp trực tuyến để phục vụ xét xử nên chất lượng hình ảnh, âm thanh và phần hiển thị hình ảnh chưa đạt yêu cầu theo quy định; một số Tòa án thuê thiết bị để phục vụ xét xử rất tốn kém, trong khi đó kinh phí cho nội dung này không được bố trí nguồn. Bên cạnh đó, tại các cơ sở giam giữ chưa được cơ quan chủ quản trang bị, lắp đặt thiết bị xét xử trực tuyến.
Chú trọng vấn đề bảo mật
Về giải pháp để tăng cường triển khai các phiên tòa trực tuyến trong thời gian tới, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Dự án Trang bị cơ sở vật chất tổ chức triển khai phiên tòa xét xử trực tuyến bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhằm bảo đảm các điều kiện kỹ thuật và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ cho các Tòa án tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Quốc hội sớm phê duyệt các chương trình liên quan để ngành Tòa án tiếp tục trang bị tốt hơn nữa cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; trang bị cho các cơ sở giam giữ để tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với những tội phạm nguy hiểm.
Đồng thời, ngành Tòa án sẽ tăng cường bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng điều hành các phiên tòa trực tuyến cho các thẩm phán.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng nhấn mạnh, việc xét xử trực tuyến là phải có điều kiện, không phải vụ án nào cũng đưa ra xét xử trực tuyến.
Liên quan đến việc xây dựng phương thức tố tụng điện tử của tòa án điện tử, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng, Nghị quyết số 33/2021/QH15 chỉ giới hạn trong một chừng mực nhất định các vụ án cần đưa ra xét xử trực tuyến, các vụ án xét xử trực tuyến đều phải có đủ điều kiện theo quy định.
“Hiện nay, các nước đều có luật riêng về tố tụng điện tử trong đó quy định tất cả các vấn đề cần thiết về tố tụng điện tử, bao gồm cả phương thức tố tụng. Khi chúng ta hình thành hệ thống tố tụng điện tử thì khi đó cần thiết phải có đạo luật. Còn hiện nay việc thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 mới là bước đi ban đầu, triển khai thận trọng và từng bước phương thức này”, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.
Về vấn đề bảo mật đối với các phiên tòa trực tuyến, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay, việc đảm bảo bảo mật phụ thuộc vào hai yếu tố chính. Trong đó, về đầu tư trang bị phần cứng, phần mềm đủ khả năng kháng thể với các virus và phải được đầu tư, nâng cấp thường xuyên để đáp ứn nhu cầu, hiện, ngành Tòa án đã có phần mềm để chống sự xâm nhập của virus, chống các hành vi phá phiên tòa.
Còn về trách nhiệm của người sử dụng, Tòa án đã ban hành quy định các thẩm phán khi sử dụng các nền tảng số phải tuân thủ các quy định bảo mật, không được cài vào những phần mềm độc, lạ, không được tiết lộ các biến chỉ của mình hoặc trao quyền truy cập của các thẩm phán cho người ngoài.