Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường
Hội nghị do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Còn một bộ phận thầy cô, học sinh, sinh viên lệch chuẩn
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GD&ĐT đã và đang tích cực tham mưu chính sách cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều chính sách nhằm từng bước thực hiện tốt công tác văn hóa học đường, hướng tới giải quyết các vấn đề về hệ giá trị và các nguyên tắc ứng xử căn bản trong học đường một cách lâu dài. Đặc biệt, ngày 1/6/2022, Bộ GD&ĐT đã đề xuất để Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hoá học đường. Chỉ thị là cơ sở, căn cứ tạo ra để những chuyển biến tích cực về văn hóa học đường trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Chỉ thị 08 cũng nhận định rõ những tồn tại trong công tác này, đó là: Thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường…
Từ việc nhận định những hạn chế, tồn tại về công tác văn hóa học đường, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương. Trong yêu cầu đặt ra tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể và nhiều nhất cho UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với 8 nhiệm vụ chi tiết; tiếp đó là Bộ GD&ĐT với 7 nhiệm vụ chi tiết. Chỉ thị của Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tài chính.
Nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao thời gian qua Bộ GD&ĐT xác định văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức, lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành. Từ đó, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và triển khai xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Đề cao trách nhiệm của các thầy cô giáo tham gia giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, thầy cô giáo phải gương mẫu mọi nơi, mọi lúc.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự sát sao, quyết liệt. Kỷ cương nhà trường ở một số cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức, còn có những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa ứng xử. Vấn đề bạo lực học đường, bệnh thành tích, sự thiếu trung thực trong giáo dục chưa được khắc phục triệt để.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò quan trọng của xây dựng văn hoá học đường và kiên trì tổ chức thực hiện, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế, hướng dẫn liên quan tới xây dựng văn hóa học đường.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD&ĐT chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo rà soát sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong chương trình giáo dục, đào tạo.
Đồng thời, phát huy vai trò quan trọng của nhà trường trong tạo dựng các giá trị văn hóa và thiết lập, củng cố, hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử. Xây dựng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa học đường xanh, sạch, đẹp, kỷ cương, an toàn, lành mạnh và thân thiện. Lấy con người làm trung tâm, ưu tiên bồi dưỡng phẩm chất yêu nước, tính trung thực và tinh thần chủ động,sáng tạo, phát huy năng lực tự học, ý thức tự chủ, tự trọng, tự chịu trách nhiệm, rèn luyện bản lĩnh, tư duy phản biện, phong cách làm việc khoa học…
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 235 ra ngày 23/8/2022)