1. Trang chủ /
  2. Đẩy mạnh hơn nữa đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Đẩy mạnh hơn nữa đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

thứ ba, 6/9/2022 09:58 GMT+07
(PLM) - Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của dân tộc. Thời gian tới, ngành Giáo dục cần tập trung giải quyết từng bước những tồn tại, hạn chế và những bất cập phát sinh; đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là tinh thần chung được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhấn mạnh trong Lễ khai giảng năm học mới trên toàn quốc.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo

Hôm qua (5/9), hơn 23 triệu học sinh cả nước dự Lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và đánh trống khai giảng năm học mới 2022 - 2023 tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Đây là cơ sở giáo dục bậc THPT có nhiều thành tích xuất sắc nhất cả nước về số lượng huy chương, giải thưởng tại các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.

Tại Lễ khai giảng, Chủ tịch nước nêu rõ, giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của dân tộc, của đất nước; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai; giáo dục vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển của xã hội. Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Đặc biệt, trong nhiều năm qua, các đoàn học sinh nước ta tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế luôn đạt những thành tích cao, góp phần khẳng định vị thế của nền giáo dục Việt Nam trên thế giới.

Đê hoàn thành thắng lợi ̉ nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị toàn ngành Giáo dục nước nhà đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tập trung chỉ đạo tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp GD&ĐT theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, hướng vào phát triển con người toàn diện cả năng lực và phẩm chất, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ của đất nước, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về GD&ĐT ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu hoàn thiện các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, phù hợp từng loại hình đào tạo; sắp xếp lại hệ thống trường học; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các đối tượng chính sách, bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân đều được thụ hưởng một cách công bằng những thành quả tốt đẹp của nền giáo dục nước ta.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo đúng hướng, hợp lý; thực hiện bổ sung đủ biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022 - 2026 theo đúng Kết luận của Bộ Chính trị; nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa và chế độ thi cử ở các cấp học; đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục…

Tập trung giải quyết những tồn tại, bất cập

Cùng ngày, tới dự Lễ và đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: “Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã dành tình cảm đặc biệt với các cháu thiếu niên, nhi đồng… Tiếp nối truyền thống đó, các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ luôn quan tâm đặc biệt đến các cháu thiếu niên và nhi đồng. Nhớ lại trong lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và gây khó khăn với việc dạy và học, trong thư gửi các ngành Giáo dục nhân dịp năm học mới năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã truyền cảm hứng: “Mong các em học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt để sau này trở thành chủ nhân tương lai của đất nước, vừa “hồng” vừa “chuyên””.

Thủ tướng Phạm Minh Chính với học sinh Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm

Thủ tướng cũng bày tỏ thấu hiểu các thầy cô rất vất vả để dạy dỗ các cháu, nhưng các thầy cô giáo cần nỗ lực hơn nữa với phương châm “nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để lại những dấu ấn yêu thương và tốt đẹp với các cháu. “Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ” - Thủ tướng nhấn mạnh; đồng thời mong nhà trường, thầy cô, quan tâm và thực hiện được 3 cân bằng cho các cháu, đó là học - chơi - ăn ngủ.

Đối với các bộ, ngành, nhất là Bộ GD&ĐT, Thủ tướng đề nghị cần tập trung giải quyết từng bước những tồn tại, hạn chế và những bất cập phát sinh. Nhiệm vụ trước mắt cần sớm giải quyết được 3 thiếu, đó là thiếu giáo viên - thiếu lớp học - thiếu sách giáo khoa. Tích cực thực hiện tiêm vaccine đầy đủ, khoa học, hiệu quả để các cháu khỏe mạnh đến trường, cha mẹ yên tâm công tác, thầy cô yên tâm giảng dạy, nhà trường được bình an. Về lâu dài, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về GD-ĐT, tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới giáo dục, trong đó tập trung đổi mới tư duy thiết kế chương trình học tập; xã hội hóa việc học tập; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, tăng cường chất lượng.

Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chế độ, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, nâng cao thu nhập cho giáo viên, đảm bảo cân đối, hài hòa trong tổng thể chung của các ngành nghề, các cấp khác và phù hợp với điều kiện của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, quan tâm đầu tư vật chất, xây dựng các cơ sở giáo dục, nhất là ở các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn; quan tâm tới môi trường vệ sinh, an toàn học đường, chăm sóc các em học sinh là người khuyết tật, con thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Ngay sau khi dự Lễ khai giảng tại Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm cơ sở vật chất của nhà trường và có cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ GD&ĐT, lãnh đạo nhà trường về công tác chuẩn bị cho năm học mới và thực tế triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về GD&ĐT.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự Lễ khai giảng năm học mới cùng thầy trò Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội). Tại đây, Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà Trường Tiểu học Trung Tự đạt được trong thực hiện nhiệm vụ dạy và học trong thời gian qua, đặc biệt trong công tác dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Phó Thủ tướng mong muốn, mô hình dạy học của Trường Tiểu học Trung Tự được nhân rộng ra nhiều ngôi trường khác; đồng thời, đề nghị lãnh đạo quận Đống Đa tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để các trường học trên địa bàn quận tiếp tục triển khai dạy hòa nhập cho trẻ khuyết tật.

Hy vọng về một chặng đường mới trong học tập

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2022 - 2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư cho ngành Giáo dục. Trong thư, Chủ tịch nước chia sẻ: Hôm nay, ngày 5/9/2022, chúng ta lại cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt sau một khoảng thời gian bất thường, việc học tập bị gián đoạn thường xuyên bởi đại dịch COVID-19, thầy và trò lại được cùng nhau dự Lễ khai giảng trực tiếp tại ngôi trường thân yêu, cùng nhau chia sẻ quyết tâm, niềm tin và hy vọng về một chặng đường mới trong học tập.

“Một năm học bắt đầu, khởi nguồn cho những hy vọng mới. Tôi đánh giá cao ý nghĩa của chủ đề mà ngành Giáo dục lựa chọn năm nay, đó là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Tôi đề nghị toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục hãy nỗ lực tận tụy, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, làm tốt chức trách, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người vĩ đại. Tôi mong muốn các bậc phụ huynh quan tâm hơn nữa đến sự học của con cái, làm gương tốt, vì tương lai con trẻ, vì sự vẻ vang của gia đình, dòng tộc, quê hương, đất nước. Toàn xã hội hãy cùng chung tay với ngành Giáo dục, kiến tạo một xã hội văn minh, trật tự và mẫu mực, hình thành văn hóa, chuẩn mực xã hội tốt cho con em học tập và noi gương; xây dựng xã hội học tập, dễ tiếp cận đối với mọi trẻ , trong đó có trẻ em yếu thế” - Chủ tịch nước bày tỏ.

Chủ tịch nước mong các em học sinh, sinh viên hãy phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, tiếp thu tinh hoa tri thức của nhân loại, có khát vọng cống hiến và tự cường, góp phần xây dựng đất nước ta thêm giàu mạnh và phồn vinh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Lễ Khai giảng năm học 2022-2023 ở Trường THPT Kỳ Sơn, Nghệ An.

"Cũng trong sáng 5/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng Đoàn công tác đã tham dự Lễ khai giảng năm học mới tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Thung Nai, huyện Cao Phong (Hòa Bình). Chia vui với những kết quả đạt được của nhà trường trong năm học vừa qua, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng mong muốn các thầy, cô giáo cùng các em học sinh cần phát huy thành tích tốt hơn nữa trong hoàn cảnh vừa chống dịch, vừa phải dạy tốt, học tốt. Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, huyện Cao Phong cần có chính sách hỗ trợ tối đa để các em luôn có cơm ăn no, có quần áo mặc, có sách vở, không để các em thiếu thốn. Đặc biệt, năm học mới với khối lượng công việc lớn, thầy cô cùng các học sinh, các cơ quan, ban, ngành bám sát chủ đề năm học của Bộ GD&ĐT để làm tốt hơn, để mỗi năm học đi qua chúng ta thực sự dạy tốt, học tốt hơn năm trước. Sáng cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đã tới dự và đánh trống khai trường tại Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cùng thời gian trên, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã đến dự Lễ khai giảng năm học 2022-2023 tại Trường THPT Trương Định (thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Tại buổi Lễ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa bày tỏ niềm vui mừng khi về dự lễ khai giảng tại chính ngôi trường mà ông từng có những năm tháng học tập, gắn bó; Đồng thời chúc cho tập thể sư phạm ngành GD&ĐT tỉnh Tiền Giang nói chung, Trường THPT Trương Định nói riêng đạt thắng lợi trong năm học mới. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định Đảng và Nhà nước luôn coi trọng việc đầu tư cho giáo dục. Những thành tựu của đất nước đạt được trong thời gian qua có sự đóng góp to lớn của ngành GD&ĐT. Ông cũng lưu ý một số nhiệm vụ trong năm học mới, trong đó quán triệt sâu sắc hơn nữa về công tác GD&ĐT trong thời kỳ mới; chú trọng việc dạy chữ dạy người, nâng cao tinh thần tôn sư trọng đạo; xây dựng môi trường văn hóa học đường lấy con người làm trung tâm; mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức cho học sinh noi theo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa con người Việt Nam... Chăm lo nâng cao chất lượng giáo dục, tạo chuyển biến căn bản toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, giá trị sống, kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp, làm tốt cả việc dạy chữ dạy người, đặc biệt là dạy người; Góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực hài hòa trí - đức - thể - mỹ, phát huy tốt tiềm năng của mỗi học sinh.... Trước đó, ngày 3/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Lễ khai giảng năm học 2022 - 2023 và khánh thành bàn giao công trình Trường THPT Kỳ Sơn (huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An). “Phát triển giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng trong giáo dục để không ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số càng cần được chăm lo, hỗ trợ để giảm đi khó khăn, từng bước phát triển kịp với miền xuôi là quan điểm chỉ đạo lớn và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tại Lễ khai giảng."

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 249 ra ngày 6/9/2022)