Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Chiều 3/7, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023.
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai tích cực, chủ động, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại, trong đó có ngoại giao kinh tế, triển khai Chỉ thị 15 về ngoại giao kinh tế của Ban Bí thư một cách tích cực, bài bản, nền nếp.
Thủ tướng đánh giá cao việc thực hiện tốt ngoại giao vaccine đã góp phần giúp nước ta kiểm soát được dịch COVID-19, mở cửa sớm trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy được tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 38% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34,7% GDP, thấp hơn trần quy định (tương ứng là 60% GDP và 50% GDP).
Thủ tướng cho biết, kinh tế toàn cầu đang đứng trước “6 cơn gió ngược” với cường độ mạnh, ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong và ngoài nước: (1) Suy giảm kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng…; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn; (2) Hậu quả của đại dịch COVID-19 còn kéo dài; (3) Cạnh tranh địa chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, phân tách, phân mảnh, thiếu sự liên kết chặt chẽ; (4) Các cuộc xung đột đe dọa an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu; (5) Các nước đang phát triển có khả năng thích ứng và sức chống chịu hạn chế trước những cú sốc từ bên ngoài; (6) Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh phức tạp, khó lường.
Ở trong nước, khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; nền kinh tế có độ mở lớn nhưng quy mô còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực, đặc biệt là các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp…
Thủ tướng nêu rõ, trong quý II năm 2023, tăng trưởng GDP đạt 4,14%, 6 tháng đầu năm đạt 3,72%; do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm đã đề ra (6 - 6,5%) thì phải cố gắng rất lớn, nỗ lực rất cao. Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và giảm dần qua các tháng, chúng ta ưu tiên cho tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng; đầu tư, gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI; xuất khẩu).
Do đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, thảo luận, đánh giá sát và kiến nghị các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, tập trung vào đánh giá kết quả triển khai Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế thời gian qua. “Đâu là điểm đã làm tốt, điều gì làm các đồng chí ấn tượng nhất, cảm xúc nhất; chỗ nào làm chưa hiệu quả, cần điều chỉnh; đúc rút các nguyên nhân, bài học để phát huy trong thời gian tới”, Thủ tướng yêu cầu.
Ngoài ra cần đánh giá sâu tình hình, nhận định thời cơ và thách thức, đặc biệt những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, tận dụng; đề xuất các biện pháp cụ thể, khả thi phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của đất nước trong thời điểm hiện nay.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các giải pháp cụ thể để thúc đẩy các động lực tăng trưởng thông qua thu hút đầu tư chất lượng cao; tiếp tục đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phát huy các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường ngách, thị trường tiềm năng, đẩy nhanh ký kết các FTA, thúc đẩy hàng hóa Việt Nam vào thị trường Halal…
Sắp tới đây, Thủ tướng cho biết, phải ưu tiên cho tăng trưởng vì lạm phát đang được kiểm soát và giảm dần theo từng tháng. Thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư (đầu tư công, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài), xuất khẩu. Thủ tướng mong các cơ quan đại diện ở nước ngoài kêu gọi, thúc đẩy, thuyết phục các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, mở rộng vào Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực mới nổi như tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo.
Về thị trường xuất khẩu, vừa qua nhìn chung các thị trường lớn đều suy giảm, vì vậy vừa phải củng cố, phát triển các thị trường này, vừa phải tìm các thị trường ngách để phát huy, tận dụng các FTA đã ký với hơn 60 thị trường… “Tinh thần như ngoại giao vaccine, nơi nào có thể xuất khẩu, bán hàng được thì chúng ta tiến hành khai thác thị trường. Các cơ quan đại diện phải kết nối với trong nước, với các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu… Tiếp tục xuất khẩu về lương thực, thực phẩm, đồ gỗ, trái cây, rau quả. Tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt hơn 3%, cần tiếp tục phát huy”, Thủ tướng nêu rõ.
Nhắc lại chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vừa qua là “triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký kết, tranh thủ tối đa lợi ích mà các hiệp định này có thể đem lại”, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu kết nối các tỉnh, thành phố, kết nối các cơ quan đại diện tại nước ngoài, kết nối các doanh nghiệp để tận dụng tối đa mọi cơ hội, phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.