1. Trang chủ /
  2. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn ĐBSCL

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn ĐBSCL

thứ bảy, 24/2/2024 10:28 GMT+07
Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều đại biểu cho biết cần phải đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mang dấu ấn vùng miền.

Theo kế hoạch của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2024, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL tiếp tục nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ của năm. Đơn vị sẽ tổ chức các hội thảo xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tour tuyến du lịch ĐBSCL. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 82-NQ/CP, ngày 18/5/2023, của Chính phủ, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Hiệp hội cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với 13 tỉnh, thành ĐBSCL (2 Cụm liên kết, hợp tác phát triển du lịch phía Đông, phía Tây ĐBSCL) và TP.HCM, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ liên kết, hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2020 – 2025.

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu tại Hội nghị

Hiệp hội sẽ cùng các địa phương trong vùng có kế hoạch đón tiếp và tham gia các đoàn Famtrip đến từ tỉnh, thành ĐBSCL và trong cả nước, đồng thời giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù, các Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL… nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Ông Trần Việt Phường – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL yêu cầu các địa phương tăng cường hoạt động liên kết trong phát triển du lịch

Ở góc độ địa phương, ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, trong thời gian qua, địa phương cũng có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là phát huy lợi thế nông nghiệp gắn với phát triển du lịch và các loại hình du lịch mới. Trong thời gian tới, Đồng Tháp sẽ tiếp tục có những động thái, cách làm mới thu hút và phát triển du lịch, tạo nên những loại hình, sản phẩm du lịch đặc thù mang đậm dấu ấn “Đất Sen hồng”.

Ông Nguyễn Lộc – Hiệu trưởng Trường Đào tạo nghề Western, Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL cho biết, ẩm thực là yếu tố quan trọng góp phần phát triển du lịch. Vì vậy, trong thời gian qua, Hội đầu bếp chuyên nghiệp ĐBSCL đã có nhiều chương trình, hoạt động nâng cao giá trị ẩm thực ĐBSCL, định vị ẩm thực ĐBSCL trong cả nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là điểm đến hấp dẫn du khách mỗi khi đến Sa Đéc

Tại hội nghị, ngành du lịch các địa phương trong vùng đề nghị trong thời gian sắp tới, Hiệp hội tiếp tục ủng hộ, phối hợp các địa phương xây dựng các tour, điểm du lịch mới, hấp dẫn, gắn kết các địa phương. Đồng thời, làm cầu nối để các địa phương phối hợp với các Trường, trung tâm đào tạo nghề du lịch để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ, phát triển ngành du lịch.

Để thực hiện mục tiêu của năm 2024, ông Trần Việt Phường – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL yêu cầu, các địa phương tiếp tục phát huy ưu điểm, thành tích, những mặt làm được thể hiện qua doanh thu du lịch, liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá du lịch. Đồng thời, các địa phương, đơn vị cần khắc phục những thiếu sót, hạn chế, đặc biệt là trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và đào tạo nguồn nhân lực.

“Vấn đề quan trọng là cần quan tâm, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cho địa phương để tạo nguồn lực phát triển du lịch. Đặc biệt, phải lấy việc liên kết trong phát triển du lịch làm nhiệm vụ hàng đầu”, ông Phường nhấn mạnh.

Nhiều tập thể, cá nhân nhận khen thưởng của Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL.

Dịp này, Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL khen thưởng nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc quảng bá và phát triển du lịch ĐBSCL. Ông Đinh Hoài Thương – Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam VPĐD tại ĐBSCL cũng được nhận khen thưởng của Hiệp hội.


Có thể bạn quan tâm