Đẩy mạnh trợ giúp pháp lý cho người có khó khăn về tài chính
Đa dạng hình thức trợ giúp, tuyên truyền
Theo khoản 7 Điều 7 Luật TGPL quy định 08 đối tượng có khó khăn về tài chính được TGPL, gồm có: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; Người nhiễm chất độc da cam; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; Người nhiễm HIV.
Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật TGPL pháp lý quy định “Điều kiện khó khăn về tài chính của người được TGPL quy định tại khoản 7 Điều 7 của Luật TGPL là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.”
Nhiều địa phương đã chú trọng thực hiện hiệu quả công tác TGPL cho đối tượng thuộc diện khó khăn về tài chính và đạt kết quả đáng ghi nhận. Như tại Quảng Ninh, một trong những giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững mà tỉnh thực hiện thời gian qua là tăng cường TGPL, giúp người nghèo tiếp cận với các chính sách pháp luật một cách tốt nhất.
Việc TGPL, tuyên truyền cho các đối tượng này thông qua nhiều chương trình, đề án, như: “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số”, “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi”... Tỉnh đã biên soạn nhiều loại tờ gấp pháp luật về TGPL, mỗi năm phát hành hàng ngàn cuốn sổ tay TGPL cho người dân tộc thiểu số, sách bỏ túi hỏi đáp về TGPL cho người nghèo, cận nghèo; sách nghiệp vụ về TGPL cho trẻ em và người chưa thành niên...
Được biết, đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu giảm nghèo theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đề ra. Toàn tỉnh chỉ còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% trong tổng số hộ dân trên địa bàn; 2.454 hộ cận nghèo chiếm 0,635% tổng số hộ trong toàn tỉnh.
Tại Tuyên Quang, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh đã phát huy vai trò tích cực trong thực hiện nhiệm vụ, thực sự trở thành điểm tựa pháp lý quan trọng cho các đối tượng được trợ giúp, đặc biệt là người nghèo. Để phục vụ người dân, trung tâm đã tăng cường các hoạt động truyền thông, thiết lập đường dây nóng về TGPL, thông báo rộng rãi đến UBND cấp xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan và giao người trực tiếp nhận, xử lý thông tin. Ngoài việc cung cấp bảng thông tin về TGPL niêm yết tại UBND cấp xã, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, tại trụ sở cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp, trung tâm đã sử dụng công nghệ thông tin trong việc tăng cường kết nối trực tuyến thông qua Zalo, Facebook. Cùng với đó, trung tâm tổ chức các đợt truyền thông TGPL tại các nơi được xem là vùng trũng về tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Với phương châm “hướng về cơ sở”, các trợ giúp viên của Trung tâm TGPL tỉnh Hậu Giang đã đến nhiều vùng quê trên địa bàn để truyền thông, hỗ trợ cho nhiều trường hợp hộ nghèo, người có công... Thông qua các hình thức như: tham gia bào chữa; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; tư vấn pháp luật tại trụ sở, các chi nhánh hoặc điểm tư vấn miễn phí, sự tham gia của các trợ giúp viên pháp lý đã góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng được TGPL, đặc biệt là những người có khó khăn về tài chính, khả năng tiếp cận và hiểu biết pháp luật hạn chế.
Tháo gỡ quy định chồng chéo
Theo số liệu từ Cục TGPL, Bộ Tư pháp, trong 05 năm từ năm 2018 đến năm 2022, các Trung tâm TGPL nhà nước đã thực hiện gần 21.500 vụ việc TGPL cho người có khó khăn về tài chính, trong đó chiếm tỷ lệ cao là người cao tuổi có khó khăn về tài chính và người khuyết tật có khó khăn về tài chính. Về hình thức thực hiện, số vụ việc tư vấn chiếm hơn 73%, tham gia tố tụng chiếm hơn 25%, và đại diện ngoài tố tụng chiếm hơn 1%.
Mặc dù đạt được kết quả đáng khích lệ song theo các trợ giúp viên pháp lý, trong quá trình thực hiện TGPL cho các nhóm đối tượng nêu trên vẫn còn những bất cập, khó khăn cần tháo gỡ. Một trong những bất cập đó là các quy định chồng chéo của pháp luật.
Cụ thể, theo Khoản 7, Điều 7 Luật TGPL năm 2017 thì người khuyết tật, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người thuộc đối tượng được TGPL khi họ là những người có khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, căn cứ Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 và Luật Người khuyết tật năm 2010 thì nạn nhân của hành vi mua bán người và người khuyết tật thuộc đối tượng đương nhiên được TGPL mà không cần có quy định về điều kiện hoặc yêu cầu khác.
Các tổ chức thực hiện TGPL chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức về nguồn lực, biên chế, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Mặt khác, do thiếu hiểu biết quy định của pháp luật nên nhiều người có khó khăn về tài chính không biết về quyền được TGPL miễn phí hoặc có trường hợp biết nhưng lại e ngại nên vẫn không chia sẻ, không yêu cầu TGPL.
Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là UBND cấp xã, cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện đối tượng là người có khó khăn về tài chính thì giới thiệu đến các tổ chức thực hiện TGPL để việc trợ giúp được kịp thời. Đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và khả thi.