Đẩy mạnh truyền thông chính sách BHYT HSSV năm học 2023-2024
Theo BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh cần tập trung đẩy mạnh truyền thông cao điểm về quyền lợi, mức đóng, phương thức tham gia BHYT HSSV; HSSV tham gia BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng tối thiểu 30% và ngân sách địa phương hỗ trợ thêm; nội dung các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác BHYT HSSV năm học 2023-2024 của ngành BHXH Việt Nam.
Truyền thông ý nghĩa, giá trị nhân văn, nhân đạo, tính chia sẻ cộng đồng của chính sách BHYT nói chung và chính sách BHYT HSSV nói riêng; việc tham gia BHYT là quyền và trách nhiệm của mỗi HSSV.
Cùng với đó, truyền thông kết quả tổ chức, thực hiện chính sách BHYT HSSV (công tác chi trả chi phí khám, chữa bệnh (KCB) cho HSSV trong năm 2022 và 8 tháng đầu năm 2023, trong đó, thông tin cụ thể về nhóm HSSV được chi trả chi phí KCB phí cao, ví dụ về một số trường hợp HSSV được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB cao…); HSSV được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường bằng nguồn chi từ quỹ BHYT.
BHXH các tỉnh phải truyền thông ý nghĩa, tiện ích của ứng dụng VssID - BHXH số, như: HSSV có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để KCB; HSSV sử dụng ứng dụng để nắm bắt thông tin và giám sát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHYT; người giám hộ (cha, mẹ học sinh) có thể cài đặt ứng dụng cho học sinh dưới 14 tuổi chưa được cấp căn cước công dân;…
Đồng thời, lan tỏa gương “người tốt, việc tốt”, các kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT HSSV; Vận động các tổ chức, cá nhân trao tặng thẻ BHYT cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn….
BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố tích cực tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với ngành BHXH trong công tác truyền thông chính sách BHYT HSSV tại các cơ sở giáo dục; tăng cường truyền thông, vận động tổ chức, cá nhân trao tặng thẻ BHYT cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Phối hợp với các tổ chức, hội đoàn thể (Hội Sinh viên, Đoàn Thanh niên,…) lựa chọn các hình thức truyền thông phù hợp như: Tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến, tư vấn, giải đáp về chính sách BHYT đến HSSV; Lồng ghép truyền thông chính sách BHYT HSSV trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của tổ chức đoàn, hội;…
Trong đó, chú trọng truyền thông vận động đối với nhóm: HSSV không tiếp tục được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT theo Quyết định số 861 ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; sinh viên cuối khóa sắp ra trường và tham gia thị trường lao động…
Những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục đã góp phần nâng cao tầm hiểu biết, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình vận động tham gia BHYT HSSV, tạo hiệu ứng tâm lý xã hội tích cực, thay đổi nhận thức của toàn xã hội đối với chính sách BHYT, thu hút ngày càng nhiều người dân quan tấm đến quyền lợi của việc được tham gia BHYT để bảo vệ bản thân và chia sẻ cộng đồng.
Tại các nhà trường, cán bộ quản lý, giáo viên cũng đã có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV, trở thành ý thức trách nhiệm của các thầy cô giáo, HSSV và sự đồng tình của phụ huynh học sinh.