Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Thực hiện Luật PBGDPL, nhất là từ khi triển khai Đề án xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý, các cấp Hội luật gia Việt Nam đã quan tâm nghiên cứu, xây dựng thí điểm mô hình xã hội hóa công tác PBGDPL. Tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn của địa phương, nhiều mô hình đã được hình thành với các tên gọi khác nhau. Như tại Hà Nội đã triển khai nhân rộng mô hình thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý (từ 30 tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cơ sở giai đoạn 1 lên 50 tổ).
Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh phí và các nguồn lực hỗ trợ khác, Tổ PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cơ sở đã trực tiếp triển khai nhiều hoạt động PBGDPL và trợ giúp pháp lý ở cộng đồng dân cư giúp cho người dân hiểu biết pháp luật, tự giác chấp hành pháp luật và tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Tổ PBGDPL ở cơ sở có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ với thành phần chủ yếu là các luật gia sinh hoạt tại Chi hội Luật gia cơ sở có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ.
Hoạt động linh hoạt phù hợp với điều kiện ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu về thời gian và nội dung PBGDPL và trợ giúp pháp lý của đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận pháp lý. Đồng thời, thu hút được đông đảo hội viên luật gia tham gia vào hoạt động hội, phát huy được tiềm lực chất xám và kinh nghiệm hoạt động của luật gia ở cơ sở, nâng cao vị trí, vai trò của Hội Luật gia trong thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, một số mô hình xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý được xây dựng trong giai đoạn thí điểm, chưa có cơ sở pháp lý nhưng đã phát huy hiệu quả trong việc huy động nguồn nhân lực của các cấp như mô hình Tổ pháp luật cộng đồng, Tổ tư vấn pháp luật cộng đồng, Trung tâm pháp luật cộng đồng. Các Tổ pháp luật cộng đồng đã chủ động thu hút nguồn kinh phí xã hội hóa từ các doanh nghiệp, chủ các nhà trọ nơi có đông công nhân thuê trọ trên địa bàn cho công tác tuyên truyền, PBGDPL, trợ giúp pháp lý như: Hỗ trợ địa điểm tổ chức, kinh phí tổ chức như nước uống, khẩu hiệu tuyên truyền, in tài liệu pháp luật, quà tặng cho đối tượng không hưởng lương, khen thưởng hội thi tìm hiểu pháp luật… cho đoàn viên, hội viên, công nhân, người dân tham dự các buổi phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý.
Có những chính sách cụ thể để thu hút nguồn lực
Ngoài ra, có rất nhiều địa phương triển khai hiệu quả mô hình “Trung tâm pháp luật cộng đồng” như: Lai Châu, Lào Cai, Long An, Đồng Nai, Hậu Giang, Đồng Tháp… Mặc dù mô hình này ở mỗi địa phương có cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động khác nhau nhưng đều hướng tới mục tiêu thu hút mọi nguồn lực xã hội thực hiện hoạt động PBGDPL. Đáng chú ý, còn có mô hình “Cà phê giao lưu pháp luật” tại Ninh Thuận.
Mục tiêu của mô hình này là hình thành điểm cà phê – địa điểm giúp cho các hội viên cập nhật thông tin pháp luật của trung ương và địa phương, những văn bản pháp luật mới ban hành, tìm hiểu, giải đáp pháp luật nhằm phục vụ cho mọi đối tượng có nhu cầu để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho những đối tượng có nhu cầu được hỗ trợ. Những kết quả bước đầu của mô hình “cà phê giao lưu pháp luật” từng bước góp phần truyền tải, nâng cao nhận thức; hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng theo đánh giá của nhiều địa phương, việc xã hội hóa công tác PBGDPL còn gặp rất nhiều khó khăn do nguồn kinh phí còn hạn chế.
Xã hội hóa công tác PBGDPL là nhiệm vụ khó khăn vì những đặc thù của công tác này, vì vậy, để triển khai thực hiện Nhà nước cần xác định lộ trình thực hiện đồng bộ trong phạm vi cả nước. Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong công tác xã hội hóa PBGDPL, đồng thời cần có những chính sách cụ thể hơn để thu hút sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cho công tác này. Để việc xã hội hóa trong công tác PBGDPL ngày càng lan tỏa hơn nữa, Bộ Tư pháp cần tiếp tục quan tâm, thực hiện các hoạt động về quản lý nhà nước nói chung; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức hành nghề tư pháp… thực hiện công tác xã hội hóa
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 221 ra ngày 9/8/2022)