1. Trang chủ /
  2. Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong chấp hành các quy định về đấu giá tài sản

Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong chấp hành các quy định về đấu giá tài sản

thứ bảy, 12/3/2022 17:18 GMT+07
(PLM) - Ngày 11/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì Hội nghị đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Anh Tuấn cho biết, những năm qua, công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh được quan tâm chú trọng, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn nghiệp vụ đảm bảo kịp thời, điều chỉnh toàn diện các vấn đề phát sinh trong hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Cùng đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động đấu giá ngày càng được tăng cường, có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động giám sát, quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, đưa hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp và cơ bản ổn định.

Các hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu là đấu giá tài sản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; đấu giá tài sản thi hành án; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư; đấu giá quyền sử dụng đất ở.

Trong đó, đấu giá quyền sử dụng đất ở theo Quyết định số 13/2018/QĐ-UBND được thực hiện thường xuyên và có giá trị lớn. Trong 02 năm (2020-2021) trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 161 cuộc đấu giá tài sản quyền sử dụng đất ở với 9.191 lô, số lô đấu thành 7.720 lô, số lô bỏ cọc là 1.471; tổng giá bán khởi điểm là hơn 10 nghìn tỷ đồng; tổng số tiền trúng đấu giá thu được là hơn 11,8 nghìn tỷ đồng, tổng số tiền chênh lệch là hơn 1,6 nghìn tỷ đồng.

Chênh lệch giữa giá trúng đấu giá trong đấu giá quyền sử dụng đất so giá khởi điểm cao, góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực trong các cuộc đấu giá trước đây; qua đó tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, do hoạt động đấu giá tài sản có tính chất phức tạp; việc quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản còn phụ thuộc vào sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan; do đó hiệu quả quản lý nhà nước ở lĩnh vực này một số mặt còn chưa cao. Công tác phối hợp trong giám sát các cuộc đấu giá còn có lúc chưa được tốt; công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực đấu giá còn chưa thường xuyên; việc xử lý các vi phạm trong hoạt động đấu giá tính răn đe chưa cao…

Để tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế, đề xuất các giải pháp về các vấn đề liên quan đến công tác quản lý, thẩm định giá đất và tài sản đưa ra đấu giá đảm bảo sát với giá thị trường; giải pháp tháo gỡ trong phê duyệt phương án đấu giá, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; vấn đề chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho các nhà đầu tư vay tiền tham gia đấu giá đất; công tác quản lý thuế với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp nhằm chống thất thu thuế…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn phát biểu kết luận Hội nghị.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập cần phải thẳng thắn nhìn nhận và đưa ra các giải pháp khắc phục. Đặc biệt là tại một số địa phương việc xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất chưa thực sự sát giá thị trường; tình trạng mất an ninh trật tự tại cuộc đấu giá vẫn còn xảy ra; vi phạm trong việc gia hạn nộp tiền; hủy kết quả trúng đấu giá; tình trạng “bỏ cọc”, hiện tượng “cò mồi” đẩy giá làm nhiễu loạn thị trường bất động sản… dẫn đến thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Để công tác đấu giá tài sản trong thời gian tới đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đấu giá cần tăng cường theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh có biện pháp chấn chỉnh, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Giao Sở Tư pháp thành lập Đoàn giám sát liên ngành của tỉnh thực hiện việc giám sát các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở và đất dự án trên địa bàn tỉnh; phối hợp Sở Tài chính đề xuất kinh phí hỗ trợ hoạt động giám sát theo quy định.

Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất, giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá tài sản, đặc biệt là giám sát trực tiếp các cuộc đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất ở, đấu giá quyền sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ đấu giá viên trên địa bàn; tổ chức quát triệt, triển khai Thông tư số 02/2022/TT-BTP ngày 08/02/2022 của Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp danh sách các tổ chức đấu giá tài sản có hành vi vi phạm đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý để làm căn cứ cho người có tài sản xem xét, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản có năng lực, uy tín, kinh nghiệm.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị chấp hành đúng quy định về trình tự, thủ tục thẩm định giá của nhà nước; tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về thẩm định giá của nhà nước khi các đơn vị có nhu cầu.

Quan tâm bổ sung kinh phí cho Sở Tư pháp để đảm bảo kinh phí hỗ trợ hoạt động giám sát theo quy định. Có trách nhiệm tham mưu Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định phương án giá đất theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Thông tư liên tịch số 87/2016/TTLT-BTC-BTNMT ngày 22/6/2016.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp những dự án đầu tư hạ tầng khu dân cư, khu đô thị do UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư đang thực hiện nhưng chưa tổ chức đấu giá hoặc đã tổ chức đấu giá một phần; những dự án khu dân cư, khu đô thị mới được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước trên từng địa phương đang thực hiện.

Cục Thuế tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố trong việc chỉ đạo, đôn đốc việc thu tiền sử dụng đất sau đấu giá; tuyên truyền người dân, doanh nghiệp kê khai trung thực giá chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng mua bán; phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là nội dung quy định về hành vi trốn thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, nghiêm túc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất. Chấm dứt ngay tình trạng để xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh trong việc để xảy ra sai sót, vi phạm trong quá trình tổ chức đấu giá./.

Có thể bạn quan tâm