Bạc Liêu ra quy định vùng nuôi chim yến
Theo đó, Nghị quyết quy định vùng, khu vực được nuôi chim yến và vùng, khu vực không được nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan đến hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn.
Với tổ chức, cá nhân có nhà yến đã hoạt động trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, nhưng không đáp ứng quy định về vùng nuôi chim yến theo nghị quyết này thì phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới; nhà yến nằm trong khu dân cư, cách khu dân cư dưới 300m thì không được sử dụng loa phóng phát âm thanh; đồng thời, phải thực hiện đúng quy định tại khoản 2, Điều 25 Nghị định 13/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chăn nuôi.
Nghị quyết quy định rõ khu vực không được phép nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh; phải cách khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư, khu vực gần bệnh viện, trường học, trụ sở cơ quan, công trình công cộng, cơ sở sản xuất; các công trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc đã có chủ trương đầu tư trên các địa bàn còn lại dưới 300m.
Khu vực nuôi chim yến là khu vực nằm ngoài vùng khu vực quy định tại nghị quyết trên. Vùng, khu vực được nuôi chim yến phải bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, không gây ảnh hưởng đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến.
Theo Chi cụcTrưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y Nguyễn Duy Hưng, nghề nuôi chim yến ở tỉnh bắt đầu từ 2004 và phát triển rất nhanh trong vài năm gần đây. Số nhà yến toàn tỉnh bắt đầu tăng dần qua các năm, đến nay đã có hơn 1.500 nhà yến được xây dựng.
Thực tế trên địa bàn tỉnh, hoạt động nuôi chim yến đang phát triển chủ yếu là do người dân tự phát xây dựng (theo cách cơi nới trên tầng lầu nhà ở hoặc tự chuyển công năng từ nhà ở thành nhà nuôi chim yến), đa số tại các khu đô thị, khu dân cư (chiếm trên 90%), kể cả nhà ở, nhà nuôi yến cùng tồn tại trong một căn nhà, nguy cơ lây lan dịch bệnh, tiếng ồn, ô nhiễm môi trường rất lớn... làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, cảnh quan đô thị, gây bức xúc dư luận. Xuất phát từ tình hình trên, cần phải có quy định quản lý nuôi chim yến để quản lý tổng thể về đất đai, môi trường, cấp giấy phép xây dựng, tiếp nhận khai báo...
“Việc quy định vùng, khu vực được nuôi chim yến và vùng, khu vực không được nuôi chim yến trên địa bàn Bạc Liêu nhằm thiết lập khung pháp lý trong công tác quản lý về nuôi chim yến trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và DN đầu tư sản xuất; đảm bảo tính hợp pháp và tính thống nhất hệ thống pháp luật; đảm bảo nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, hiệu quả; giải quyết tình trạng tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh lây lan; giải quyết hài hòa lợi ích xã hội của các bên”, ông Hưng nói. Trọng nghĩa
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 220 ra ngày 8/8/2022)