1. Trang chủ /
  2. Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Dân kêu cứu vì bị cưỡng chế, thu hồi đất để mở rộng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Bắc Từ Liêm (Hà Nội): Dân kêu cứu vì bị cưỡng chế, thu hồi đất để mở rộng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

thứ sáu, 10/3/2023 12:52 GMT+07
Gần 200 hộ dân sinh sống trên địa bàn phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cho rằng, việc UBND quận cưỡng chế, thu hồi đất để bàn giao cho dự án mở rộng cơ sở 1 trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội là không phù hợp với quy hoạch; việc thu hồi này đã đẩy người dân lâm vào hoàn cảnh “màn trời chiếu đất” khiến họ vô cùng hoang mang.
Người dân phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cho rằng, việc thu hồi đất để mở rộng cơ sở 1 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là trái pháp luật.
Người dân phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cho rằng, việc thu hồi đất để mở rộng cơ sở 1 Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là trái pháp luật.

Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kêu cứu của các hộ thuộc tổ dân phố Nguyên Xá, phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) phản ánh về việc cuối năm 2022, UBND quận Bắc Từ Liêm đã ra quyết định cưỡng chế, thu hồi đất tại mặt đường Quốc lộ 32 để phục vụ cho việc mở rộng cơ sở 1 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khiến nhiều hộ dân đang sinh sống ổn định lâu dài từ năm 1990, đến nay không còn chốn mưu sinh.

Theo nội dung đơn kêu cứu, người dân cho biết, dự án mở rộng cơ sở 1 của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mục đích là để xây bể bơi và nhà tập thể thao không mang lại lợi ích to lớn và sự cần thiết cho xã hội, dự án không góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, không phải dự án phát triển ngành hay công trình quan trọng về an ninh quốc gia, quốc phòng và cũng không phù hợp với quy hoạch của Thủ đô đã được phê duyệt. Việc thu hồi đất của người dân để giao đất cho trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là trái với Quyết định 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 23/01/2015.

Cụ thể tại khoản 5 và khoản 8, Điều 1, Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trong đó yêu cầu thực hiện di dời các trường Cao đẳng, Đại học, y tế ở khu vực nội đô ra khu đô thị vệ tinh hoặc các tỉnh, xây dựng các cụm trường Đại học mới và các tổ hợp y tế đa chức năng theo quy hoạch nhằm giảm áp lực về hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học tại quận Bắc Từ Liêm thuộc đối tượng phải di dời.

Các hộ dân cũng kiến nghị các ngành chức năng xem xét hiện trạng sử dụng đất hiện tại của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, vì hiện nay trường thừa rất nhiều đất, chưa dùng hết quỹ đất hiện có.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, bà Hoàng Thị Chiến, trú tại thôn Nguyên Xá, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có 3 cơ sở với tổng diện tích 50ha với đầy đủ cơ sở vật chất để đào tạo 60.000 sinh viên. Song hiện nay, số sinh viên theo học trường này mới có 30.000 sinh viên. Như vậy, trường mới chỉ sử dụng hết một nửa công năng và quỹ đất hiện có, nhà trường hoàn toàn có thể quy hoạch lại khuôn viên trường phục vụ giáo dục, phát triển ổn định, chứ không cần thiết phải mở rộng khuôn viên. Việc mở rộng bể bơi, nhà tập thể thao hoàn toàn có thể thực hiện dựa trên quỹ đất hiện có”.

UBND quận Bắc Từ Liêm thu hồi đất giao cho Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khiến người dân lâm vào tình cảnh màn trời chiếu đất.

Cũng theo phản ánh của người dân, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội là tổ chức sự nghiệp công lập đã tự chủ về tài chính, không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất theo quy định tại điều 54 Luật Đất đai 2013... Thành phố Hà Nội cũng như quận Bắc Từ Liêm không thể tự tiện thu hồi đất của các hộ gia đình trong khu vực để giao cho trường. Việc này là bất hợp lý.

Cũng theo đơn kêu cứu, các hộ dân xác nhận những thửa đất bị thu hồi được Nhà nước giao cho họ theo Nghị định 64-CP của Chính phủ từ năm 1993, đến năm 2000, họ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được quy hoạch thành đất ở tại Quyết định số 14/2000/QĐ-UB ngày 14/02/2000 của UBND Thành phố Hà Nội và các hộ dân đã sinh sống ổn định từ trước tháng 10/1993 đến nay và không có tranh chấp.

“Cùng là nguồn gốc đất, năm 2010, Nhà nước thu hồi đất mở rộng Quốc lộ 32 là dự án công cộng quốc gia, các hộ dân bị thu hồi đất được đền bù 80m2 đất tái định cư và được bồi thường 12.480.000 đồng/m2. Tuy nhiên, đến năm 2022 (sau 12 năm) cũng khu đất này cùng nguồn gốc đất, UBND quận Bắc Từ Liêm thu hồi hết 100% đất của chúng tôi giao cho trường Đại học Công nghiệp Hà Nội để xây bể bơi, xây nhà tập thể thao đa năng… và chỉ bồi thường với giá 201.600 đồng/m2 mà không hỗ trợ đất dịch vụ hay tái định cư. Hiện nhiều hộ dân vẫn chưa đồng ý với phương án bồi thường và chưa ký vào biên bản bàn giao. Việc chính quyền cưỡng chế, thu hồi đất đã đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh trắng tay, màn trời chiếu đất, mất kế sinh nhai. Một số hộ không có nơi ở phải dựng lều, che bạt làm chỗ ở tạm ngay tại chính nơi vừa trước đó còn là ngôi nhà của mình”, một người dân sống trên địa bàn bức xúc cho hay.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng về vụ việc, ông Nguyễn Văn Khoa - Phó Chủ tịch UBND phường Minh Khai cho biết: “Hiện nay phường chưa nhận được đơn phản ánh của người dân. Còn về phía chính quyền, từ khi thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng và có quyết định thu hồi đất, phường với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác, trước khi cưỡng chế chúng tôi đã tổ chức đối thoại, vận động, tuyên truyền với người dân và họ đã đồng ý bàn giao mặt bằng”.