Bắc Từ Liêm, Hà Nội: Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì quy hoạch bị “ngó lơ” gần 20 năm
Hơn 20 năm phải “giữ nguyên hiện trạng” nhà ở
Ngày 9/1/2003, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 189/QĐ- UB về việc thu hồi 226.494 m2 đất tại xã Cổ Nhuế và xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm), giao Công ty Kinh doanh Dịch vụ nhà Hà Nội xây dựng khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh.
Trong phạm vi thu hồi đất có một phần diện tích ở của hàng trăm hộ dân thôn Trù, thôn Viên, xã Cổ Nhuế (gồm các khu đất có ký hiệu OTT1, OTT2, CC3, CC4…). Chính vì vậy, nhiều người dân cho rằng việc bị thu hồi đất là không phù hợp với Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg (20/6/1998) của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020). Theo Quyết định này, diện tích đất của họ thuộc “đất làng xóm ngoài khu vực đô thị” chứ không phải đất thuộc “khu đô thị mới” nên phải đưa diện tích nhà, đất của họ ra khỏi phạm vi dự án của Công ty Kinh doanh Dịch vụ nhà Hà Nội.
Mãi hai năm sau, UBND TP. Hà Nội mới có văn bản chấp thuận về nguyên tắc về việc “điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng các khu đất OTT1, OTT2, CC3, CC4 từ mục đích xây dựng các nhà vườn để bán và dịch vụ thương mại tổng hợp thành nhà ở do dân cư đang sinh sống tự chỉnh trang theo quy hoạch”. Các diện tích đất sau khi điều chỉnh để nhân dân trong khu vực tự chỉnh trang theo quy hoạch được duyệt.
Dù đã có chủ trương như trên những cũng phải đến tháng 2/2012, UBND TP. Hà Nội mới có Quyết định số 802/QĐ-UBND điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định thu hồi đất, giao đất vào năm 2003. Theo đó:14.813m2 đất ở các ô OTT1, OTT2, CC3, CC2 là khu dân cư hiện có, giao để cải tạo chỉnh trang theo quy hoạch.
Từ đó, các hộ dân thuộc các ô đất trên liên tục đề nghị được sửa chữa, cải tạo nhà hoặc xây dựng nhà mới “theo quy hoạch” nhưng đều bị chính quyền từ chối cấp phép với lý do “chưa có quy hoạch chi tiết”. Người dân đề nghị được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cũng bị từ chối với lý do tương tự, rằng “hiện nay, Công ty TNHH Nhà nước MTV Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội đang liên hệ với UBND TP để được phê duyệt quy hoạch, kế hoạch chi tiết chỉnh trang các ô đất trên. Vậy, diện tích đất khu dân cư thuộc dự án chỉ thực hiện cải tạo chỉnh trang theo quy hoạch và việc cấp GCNQSDĐ của các hộ dân thuộc khu vực này sẽ được thực hiện sau khi có Quyết định của UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch, kế hoạch chỉnh trang” (văn bản của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, Chi nhánh quận Bắc Từ Liêm năm 2015).
Không biết quá trình lập quy hoạch, trình phê duyệt ra sao nhưng cho đến nay, đã 19 năm kể từ khi có chủ trương “điều chỉnh quy hoạch” và 21 năm kể từ khi có quyết định thu hồi đất nhưng UBND TP. Hà Nội vẫn chưa chính thức có Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tại các ô đất liên quan đến các hộ. Cũng từng ấy năm, hàng trăm hộ dân ở đây phải chịu cảnh: có đất mà không được chia tách thửa, hoặc cho, tặng, thừa kế; có đất cũng không được cấp phép để cải tạo, sửa chữa, xây nhà mới…
Sống khổ cực vì nhà cửa xuống cấp, nhiều gia đình đành bán đất để chuyển sang khu vực khác. Tuy nhiên, do đất chưa có sổ đỏ, lại nằm trong quy hoạch chưa được điều chỉnh nên cũng không thể chuyển nhượng. Vậy là cả chục người 3-4 thế hệ đành tiếp tục ở chung trong căn nhà xuống cấp, mòi mỏi chờ quy hoạch mới.
Quy hoạch bị “ngó lơ” vì không phải đất thương mại?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Dũng (phường Cổ Nhuế 2) bức xúc cho biết: Trong cả chục năm qua, chúng tôi đã có rất nhiều đơn thư đến các cấp đề nghị sớm có quy hoạch để chúng tôi được thực hiện đầy đủ quyền của sử dụng đất nhưng đều bị đùn đầy trách nhiệm qua nhiều cơ quan khác nhau, từ UBND quận Bắc Từ Liêm, Công ty kinh doanh Nhà, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở TN&MT, UBND TP Hà Nội… Trong khi các khu đất thương mại khác của dự án thì đã được phê duyệt quy hoạch và bán thu tiền từ nhiều năm nay thì khu đất “dân cư tự chỉnh trang” của chúng tôi vẫn bị “kẹt” cả chục năm nay. Phải chăng, khu đất của chúng tôi không có tính chất thương mại, không đem lại lợi nhuận nên bị chủ đầu tư và cơ quan chức năng bỏ mặc?
Trao đổi với phóng viên, một số luật sư tỏ ra khá ngạc nhiên với tính chất đặc thù của các ô đất “để lại cho dân được tự chỉnh trang nêu trên” bởi loại đất này dường như không được quy định trong Luật Đất đai. Trên giấy tờ thì đất đã bị UBND TP. Hà Nội thu hồi để giao cho Công ty TNHH Nhà nước MTV kinh doanh dịch vụ Nhà Hà Nội thực hiện dự án khu đô thị mới. Nhưng bản chất thì doanh nghiệp này lại không được bàn giao đất trên thực địa, không được sử dụng đất làm khu đô thị mà phải để cho người dân (chủ đất cũ) tự chỉnh trang nhà. Trong khi đó, người dân (chủ sử dụng thực tế khu đất) không có đầy đủ quyền năng của một người sử dụng đất do phải phụ thuộc vào doanh nghiệp từng được giao đất làm dự án.
Theo Luật sư, nếu như giữa doanh nghiệp thực hiện dự án và người mua nhà, đất có Hợp đồng chuyển nhượng nhà để ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi thì ở đây, giữa doanh nghiệp và người dân sử dụng đất lại không có văn bản nào quy định chặt chẽ, cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ với nhau. Có thể vì vậy nên đã xuất hiện tình trạng “dậm chân tại chỗ” như trên.
Để giải quyết tận gốc mâu thuẫn, vướng mắc nêu trên, cũng như để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các hộ dân nêu trên, Luật sư cho rằng, nếu Chủ đầu tư và địa phương (UBND huyện Từ Liêm cũ) đã từng thống nhất đề nghị rằng “diện tích 14.808 m2 của 139 hộ dân xã Cổ Nhuế đang sinh sống, xin được để lại cho dân tự cải tạo, chỉnh trang, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân” thì UBND TP. Hà Nội cần mạnh dạn sửa đổi Quyết định thu hồi đất trước đây để “loại” diện tích đất trên ra khỏi dự án, chứ không nên để tình trạng lơ lửng kiểu, đất trong dự án của doanh nghiệp nhưng lại để lại cho dân (chủ cũ) tự chỉnh trang như hiện nay.
Để tìm hiểu về tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch cũng như việc giải quyết bức xúc của nhân dân trong khu vực, phóng viên Báo Công lý đã trực tiếp gửi giấy giới thiệu đăng ký làm việc với lãnh đạo UBND quận Bắc Từ Liêm (qua Văn phòng UBND quận) từ nhiều tháng nay nhưng không được phản hồi về nội dung làm việc như đề nghị.
Trao đổi qua điện thoại với ông Ngô Ngọc Vân- Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm, chúng tôi nhận được lời hứa “sẽ chỉ đạo bộ phận chức năng làm việc với Báo”. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng qua, chúng tôi cũng chưa nhận được hồi âm từ vị lãnh đạo này.