1. Trang chủ /
  2. Bài 1: Công ty cổ phần tập đoàn Nusee chưa được cấp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm

Bài 1: Công ty cổ phần tập đoàn Nusee chưa được cấp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm

thứ sáu, 6/10/2023 21:53 GMT+07
Thông tin đến Báo Pháp luật Việt Nam, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết Cục mới có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội đề nghị kiểm tra hoạt động tuân thủ, chấp hành các quy định về quản lý mỹ phẩm đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Nusee và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu có vi phạm.

Theo Cục Quản lý Dược, việc quản lý mỹ phẩm thực hiện theo quy định của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN và Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm.

Theo đó, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải lưu giữ hồ sơ, thông tin sản phẩm (PIF – được quy định tại Phụ lục số 07-MP Thông tư số 06/2011/TT-BYT) và có trách nhiệm xuất trình khi cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra yêu cầu.

Đồng thời, việc quản lý quảng cáo mỹ phẩm được thực hiện theo quy định tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo; Thông tư số 09/2015/TT-BYT ngày 25/05/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc quản lý của Bộ Y tế:

Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu: Phiếu Công bố sản phẩm mỹ phẩm; Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có), Quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung sau: Tên mỹ phẩm, tính năng, công dụng của mỹ phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.

Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với mỹ phẩm của cơ sở đứng tên trên Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có trụ sở chính đặt tại địa bàn quản lý của Sở Y tế; Trường hợp quảng cáo mỹ phẩm thông qua hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện thì Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi dự kiến tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Hình ảnh sản phẩm của Nusee
Hình ảnh sản phẩm của Nusee

Liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Nusee, Cục Quản lý Dược cho biết: Qua hoạt động tra cứu cơ sở dữ liệu tại hệ thống trực tuyến tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu kết nối Cổng thông tin một cửa Quốc gia, Cục Quản lý Dược chưa cấp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Nusee

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra hoạt động tuân thủ, chấp hành các quy định về quản lý mỹ phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nusee, trong đó có hoạt động quảng cáo các sản phẩm thương hiệu “Mỹ phẩm Nusee", xử lý theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm.

Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Nguyễn Doãn Hồng – Giám đốc Công ty luật Quốc tế Đà Nẵng (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho biết: “Điều kiện để được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông là sau khi được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Đồng thời theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 06/2011/TT-BYT thì số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có giá trị 05 năm kể từ ngày cấp và hết thời hạn 05 năm thì tổ chức, cá nhân muốn tiếp tục đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông trên thị trường thì phải công bố lại trước khi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết hạn.

Trường hợp tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm hết thời hạn hiệu lực thì theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì hành vi vi phạm này sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổ chức. Mỹ phẩm lưu thông khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm sẽ bị đình chỉ lưu hành và bị thu hồi theo quy định tại Điều 45 Thông tư số 06/2011/TT-BYT”.

Luật sư Nguyễn Doãn Hồng – Giám đốc Công ty luật Quốc Tế Đà Nẵng
Luật sư Nguyễn Doãn Hồng – Giám đốc Công ty luật Quốc Tế Đà Nẵng

Đồng thời, Luật sư Nguyễn Doãn Hồng cũng nhấn mạnh: “Về chất lượng của sản phẩm mỹ phẩm thì tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm mỹ phẩm ra lưu thông phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm, phải đảm bảo các sản phẩm của mình không có hại đối với sức khoẻ con người khi được dùng trong những điều kiện bình thường hoặc những điều kiện thích hợp được hướng dẫn, phù hợp với dạng bào chế, thông tin ghi trên nhãn, hướng dẫn sử dụng, thận trọng đặc biệt, cũng như các thông tin khác cung cấp bởi nhà sản xuất hoặc chủ sở hữu sản phẩm. Nhà sản xuất, chủ sở hữu sản phẩm phải đánh giá tính an toàn trên mỗi sản phẩm mỹ phẩm theo Hướng dẫn đánh giá tính an toàn mỹ phẩm của ASEAN. Giới hạn kim loại nặng và vi sinh vật trong mỹ phẩm phải đáp ứng yêu cầu của ASEAN quy định tại Phụ lục số 06-MP. Thành phần công thức mỹ phẩm phải đáp ứng theo các Phụ lục (Annexes) - bản mới nhất của Hiệp định mỹ phẩm ASEAN. Người tiêu dùng có quyền được thông tin về mỹ phẩm, có quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu đơn vị kinh doanh mỹ phẩm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng mỹ phẩm sản xuất, lưu thông không đảm bảo chất lượng, không an toàn. Do đó, có thể thấy do đây là sản phẩm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và thậm chí tính mạng của con người nên đã được quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật như đã viện dẫn”. Luật sư Nguyễn Doãn Hồng nói thêm.

Hiện nay, lợi dụng nhu cầu làm đẹp ngày càng cao của con người, nhất là chị em phụ nữ, nhiều tổ chức, cá nhân đã đưa ra thị trường rất nhiều loại hàng hóa, mỹ phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm chứng chất lượng, không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép và hoàn chỉnh các giấy tờ, thủ tục về mặt pháp lý theo quy định của pháp luật. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp “đánh lận con đen”, vi phạm nghiêm trọng Luật Quảng cáo khi quảng cáo sản phẩm mỹ phẩm có chức năng điều trị như thuốc chữa bệnh gây hiểu lầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng như quảng cáo mỹ phẩm có khả năng tăng tuần hoàn và chữa lành da, phát huy khả năng đặc trị chữa nám da, đốm nâu, tàn nhang… Thực trạng nhức nhối này là nỗi bức xúc của người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Đề nghị Cục Quản lý Dược, Sở Y tế Hà Nội siết chặt hơn nữa hoạt động quản lý sản phẩm mỹ phẩm để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và đem lại môi trường kinh doanh trong sạch cho các doanh nghiệp chấp hành tốt quy định của pháp luật. Đề nghị Sở Y tế Hà Nội vào cuộc kiểm tra, làm rõ hoạt động tuân thủ, chấp hành các quy định về quản lý mỹ phẩm của Công ty Cổ phần Tập đoàn Nusee.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.