Bài 2: Tham nhũng, tiêu cực là hành vi phản văn hóa
Môi trường văn hóa bị ô nhiễm bởi tham nhũng, tiêu cực
Đề cập đến tệ “tham nhũng vặt”, phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 18/7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một thực trạng hết sức bức xúc: “Đi làm gì cũng phải phong bao, phong bì, lót tay, gợi ý. “Tham nhũng vặt” như ghẻ ruồi, rất ngứa ngáy, khó chịu chứ không phải chỉ có tham nhũng lớn”. Người đứng đầu Đảng ta đã nhiều lần yêu cầu kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt”. Chủ trì Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 19/6/2023, Tổng Bí thư yêu cầu: chỉ đạo kiên quyết, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, nhân viên nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; khắc phục bằng được tệ “tham nhũng vặt”, gây bức xức trong xã hội, làm tổn thương tình cảm và niềm tin của nhân dân.
Quay trở lại câu chuyện người dân, doanh nghiệp phải có “phong bì” để lót tay, “bôi trơn”, có “quà” cảm ơn đã đề cập trong bài trước, điều nguy hiểm hơn, gây bức xúc trong xã hội hơn là, từ nét văn hóa truyền thống tri ân tốt đẹp đã bị biến tướng, làm cho méo mó, sai lệch trở thành dịp để các cá nhân “trục lợi”. Khi những “phong bì” cảm ơn trở thành một “lệ bất thành văn”, “không có không được”, “không phong bì không xong việc”, khi cảm ơn bằng những món quà trị giá cả gia tài thì đó không còn là “tham nhũng vặt”, không phải là văn hóa mà là phản văn hóa. Trả lời câu hỏi liên quan vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học từng cho hay: vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm “không phải là “tham nhũng vặt” mà có hệ thống, có tổ chức, quy mô lớn lắm”.
Có thể thấy, tham nhũng, tiêu cực là biểu hiện của việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm ở góc độ chủ quan mỗi cá nhân, tập thể; ở góc độ khách quan là hệ thống pháp luật có chỗ còn thiếu đồng bộ; cơ chế, pháp luật chưa đủ mạnh và hiệu quả để kiểm soát quyền lực và những nguy cơ xảy ra tham nhũng. Theo Hiến pháp 2013, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước.
Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng về tham nhũng như Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi năm 2007, 2012); Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Luật Cán bộ, công chức, cùng với nhiều Nghị định, Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư, Kế hoạch về vấn đề này. Hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về phòng, chống tham nhũng là căn cứ, cơ sở quan trọng để giải quyết vấn nạn này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các hành vi tham nhũng vẫn diễn ra với mức độ tinh vi, phức tạp, để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Tình trạng tham nhũng đồng nghĩa với suy thoái về văn hóa, suy thoái đạo đức, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định xã hội, nền pháp trị và chính trị đất nước. Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí đã chỉ ra: “…Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta...”.
Tác hại dễ thấy nhất của tham nhũng là làm mất đi một nguồn lực vật chất lớn cho phát triển của xã hội, thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước do một bộ phận người có chức vụ, quyền hạn “bỏ túi”, tư lợi. Tác hại nặng nề hơn của tham nhũng chính là gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin trong nhân dân, làm suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, khiến bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, thậm chí làm mục ruỗng bộ máy nhà nước, đe dọa sự tồn vong của đất nước, của chế độ.
Chính vì vậy, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh “môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực”. Đó là một trong những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém nổi bật trong lĩnh vực văn hoá cần phải tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.
Để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hoá của dân tộc, Tổng Bí thư cũng nêu rõ nhiệm vụ: “Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hoá, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.”
Cản trở công cuộc phát triển trụ cột văn hóa
Tình trạng tham nhũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó cũng có những yếu tố thuộc về văn hóa truyền thống của Việt Nam, tạo ra những mảnh đất thuận lợi cho tham nhũng được củng cố. Đơn cử, tục lệ “miếng trầu là đầu câu chuyện”, quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”… bị “biến tướng” thành việc người dân hễ có công việc gì liên quan đến cơ quan Nhà nước là phải đưa quà cáp, biếu xén trước để làm “miếng trầu” cho cán bộ, công chức giúp công việc được xử lý nhanh chóng hơn. Từ đó, các biểu hiện “tham nhũng vặt” đã hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, được nhiều người chấp nhận như lẽ đương nhiên.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần nhìn nhận yếu tố cốt lõi đến từ đạo đức công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, đảng viên. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tư tưởng, văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm đã nhận định, hành vi tham nhũng thực chất là hành vi thiếu văn hóa mà nguyên nhân là sự phai nhạt lý tưởng, đó là lý tưởng cách mạng, lý tưởng sống, phấn đấu và tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự hạnh phúc chung của nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, “chúng ta thấy hiện tượng quan liêu, tham nhũng, lãng phí tăng lên, chúng ta tìm cách ngăn chặn bằng cơ chế chính sách, kiểm tra, giám sát... điều đó là cần thiết nhưng cái gốc vẫn là sự phai nhạt lý tưởng. Cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm này, khuyết điểm khác trước hết vẫn là lý tưởng không rõ ràng, vướng vào ăn chơi, hưởng thụ”. Khi đó, lòng tham vật chất cho cá nhân phát triển là nguyên nhân bên trong mạnh mẽ thôi thúc tham nhũng”...
Chính vì vậy, khi tham nhũng bị đánh tráo khái niệm, coi là “văn hóa” với mỹ từ “văn hóa phong bì” và nhiều người chấp nhận sống chung với vấn nạn này thì công cuộc phòng, chống tham nhũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức hơn. Về phương diện văn hóa, nạn tham nhũng cùng những biểu hiện tiêu cực đã, đang và sẽ gây ra nhiều hệ luỵ đối với công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Khẳng định vai trò của văn hóa, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khẳng định quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. Kế thừa nội dung trong các nghị quyết, văn kiện, nhất là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Văn kiện Đại hội XII về xây dựng, phát triển văn hóa, con người, Văn kiện Đại hội XIII một lần nữa nhấn mạnh phải “giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.