Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH: Thực hiện bài bản nhiều vấn đề chưa có tiền lệ
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ và nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng dự Lễ kỷ niệm. Tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Ban Công tác đại biểu (CTĐB).
Cơ quan tham mưu chuyên sâu, chiến lược
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực QH Trần Thanh Mẫn nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của Ban CTĐB qua các thời kỳ. Mặc dù lĩnh vực công tác có nhiều vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, chưa có tiền lệ như việc lấy phiếu tín nhiệm ở QH, công tác quy hoạch đại biểu QH chuyên trách và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của UBTVQH…, song theo Phó Chủ tịch Thường trực QH, tập thể lãnh đạo Ban qua các nhiệm kỳ đã nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức thực hiện bài bản, đúng với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của QH để đáp ứng tốt nhất yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Thường trực QH cho biết, Nghị quyết số 21/2022/UBTVQH15 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban CTĐB được UBTVQH ban hành trong năm 2022 đã bao quát đầy đủ hơn chức năng, nhiệm vụ của Ban. Việc chuyển một số nhiệm vụ cho cơ quan khác để tập trung vào công tác tổ chức bộ máy, cán bộ đã cho thấy tầm nhìn mới và yêu cầu mới của UBTVQH đối với Ban CTĐB là phải tham mưu chuyên sâu, chiến lược.
Phó Chủ tịch Thường trực QH cũng nhấn mạnh, Đảng ta đã xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng”. Về tiêu chuẩn của đại biểu QH, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rất cô đọng là: “QH phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”… “ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”.
Có giải pháp thực hiện công việc hiệu quả, thiết thực nhất
Trước yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, Phó Chủ tịch Thường trực QH đề nghị Ban CTĐB tiếp tục nỗ lực phấn đấu, xác định trọng tâm, trọng điểm trong công việc và có giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả, thiết thực nhất.
Trong đó, Ban CTĐB cần tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. “Tập trung nghiên cứu các vấn đề mới, quan trọng để chủ động tham mưu, sớm phát hiện những nhân tố mới, kịp thời đề xuất với Đảng đoàn QH, UBTVQH trong việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự của QH, tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm của đại biểu QH trong hoạt động của QH”, Phó Chủ tịch Thường trực QH nói.
Ngoài ra, Ban CTĐB cần tham mưu, kiến nghị đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các cơ quan thuộc UBTVQH. Đây là cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư xác định mô hình, phương thức hoạt động của QH và đề xuất các kiến nghị trong Đề án phương hướng bầu cử đại biểu QH khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Tham mưu thật tốt những vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế giám sát của cử tri và phương thức, tiêu chí đánh giá đại biểu QH; bảo đảm các điều kiện để đại biểu QH thực hiện tốt vai trò của mình. Tiếp tục tham mưu, kiến nghị về đổi mới tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, trước hết tập trung vào cơ quan dân cử ở địa phương.
Chú trọng công tác quy hoạch đại biểu QH để thật sự giới thiệu được những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, đủ tiêu chuẩn theo quy định của Đảng và pháp luật, tham gia làm đại biểu QH; đổi mới công tác bồi dưỡng đại biểu QH một cách khoa học, thiết thực, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu QH. Chủ động chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 theo tinh thần từ sớm, từ xa.
Phó Chủ tịch Thường trực QH cũng đề nghị Ban CTĐB hết sức lưu ý những yêu cầu cụ thể của Chủ tịch QH Vương Đình Huệ trong công tác tham mưu, triển khai công việc của Ban. Đó là phải bám sát thực hiện Nghị quyết số 21 của UBTVQH khóa XV ngày 11/7/2022 về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban CTĐB; phải thường xuyên cập nhật, nghiên cứu kỹ các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ để tham mưu cho chắc, cho đúng, cho kịp thời; hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo mật thông tin, lưu trữ hồ sơ, dữ liệu.
Chủ động hơn trong công việc, trong tham khảo ý kiến của các ban xây dựng Đảng, các bộ, ngành và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan thuộc UBTVQH, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phát huy năng lực, trình độ, thế mạnh của mỗi cán bộ, vừa kế thừa, phát huy, vừa đổi mới, chuyên nghiệp, hiệu quả, khẳng định vai trò tích cực của mình đối với các hoạt động của QH.
Ban CTĐB được thành lập năm 2003 theo Nghị quyết số 368/2003/NQ-UBTVQH11 của UBTVQH. Trong diễn văn kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban CTĐB Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, trải qua 20 năm hoạt động từ nhiệm kỳ QH khóa XI đến nay, được sự quan tâm sâu sát, cụ thể, trước yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của QH, Ban CTĐB đã 2 lần được UBTVQH sửa đổi, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ và không ngừng phát triển cả về tổ chức và hoạt động.