Băn khoăn việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, game online
Có thể gây ra những tác động tiêu cực cho nền kinh tế
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Thời điểm này việc mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế (trong đó có Thuế tiêu thụ đặc biệt) là chưa phù hợp vì sẽ tạo gánh nặng và thậm chí có thể làm kiệt quệ hơn sự khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
"Bất kỳ chính sách nào cũng có tác động kinh tế - xã hội nhất định, do vậy công cụ chính sách không nên tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Do đó cần phải đánh giá đầy đủ các tác động chính sách, từ đó tránh tạo ra những rủi ro chính sách cho doanh nghiệp", bà Thảo khuyến nghị.
Trong đề nghị xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế nhằm giảm thiểu rủi ro đối với bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh thừa cân béo phì. Tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả của công cụ thuế trong việc phòng tránh nguy cơ thừa cân béo phì và nâng cao sức khỏe người dân, trong khi đó lại có thể gây ra những tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp nước giải khát và của cả nền kinh tế.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - Nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến béo phì như: Chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, ít vận động... Trong khi đó chưa có nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ duy nhất của thừa cân béo phì với nước giải khát có đường.
"Đường có trong nhiều nguồn thực phẩm khác nhau. Nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp calo nhiều nhất trong các thực phẩm. Chưa có nghiên cứu nào xác định tiêu thụ nước giải khát có đường dễ dàng hơn so với tiêu thụ các thực phẩm có đường khác... Do vậy, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường sẽ không thể giải quyết được vấn đề thừa cân, béo phì trong bối cảnh có nhiều các loại thực phẩm có chứa đường hoặc hàm lượng calo trên trường", bà Lâm nói.
Trưởng Tiểu ban Pháp luật, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội -Trần Ngọc Trung cũng cho rằng, dự thảo cần cân nhắc yếu tố công bằng giữa các ngành hàng. Hiện nay, dự thảo đang tạo ra sự phân biệt đối xử thông qua việc tập trung vào đồ uống có đường mà bỏ qua các thực phẩm có đường khác hoặc các thực phẩm có nguy cơ gây hại sức khoẻ khác.
Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát (VBA) cho hay, các doanh nghiệp chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép từ nhiều chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2024. Vì vậy, ông Việt cho rằng, nếu cải cách các loại thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.
Mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà
Cũng trong dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng (game online) vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng nếu phải chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp game Việt sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà.
Cho rằng có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng ngành game phải đối mặt với nhiều định kiến, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng Việt Nam: "Doanh nghiệp game Việt phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu nên đang dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà.
Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp Việt rời bỏ thị trường thì cũng có nhiều doanh nghiệp phải đang dần bán mình cho các công ty nước ngoài. Điều này dẫn đến thực trạng không ít doanh nghiệp có chủ yếu là nhân sự là người Việt, thành công ở Việt Nam và cả thị trường nước ngoài, nhưng lại được khai sinh ở một quốc gia khác, như Singapore".
Ông Trần Phương Huy, Giám đốc VTC Intecom đưa ra nhận định, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt doanh nghiệp như VTC sẽ “chết” trên sân nhà. Nhà nước có thể quản lý game online qua mã định danh điện tử như một số nước đang làm chứ không phải dùng chính sách thuế nhắm vào doanh nghiệp game online.
Đại diện hãng Soha Game - bà Nguyễn Thị Dung cũng cho rằng nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì thị trường game sẽ nằm trong tay nước ngoài và game lậu. Trong khi đó, những nước xung quanh như Singapore có ưu đãi thuế với những doanh nghiệp game.
"Ngành game Việt Nam đã có 1 Nguyễn Hà Đông thành công với Flappy Bird. Tuy nhiên sau game này, không có thêm bất kỳ game nào khác của Đông nữa mặc dù bạn ấy vẫn làm việc trong ngành. Vậy phải chăng những người làm game như Đông, những doanh nghiệp game phải ra nước ngoài để phát triển?”, bà Dung nói.
Góp ý tại hội thảo, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, lĩnh vực trò chơi trực tuyến tạo ra rất nhiều việc làm và góp phần phát triển kinh tế số. Do đó, Bộ Tài chính cần xem xét lại vấn đề áp thuế với trò chơi trực tuyến.
Trong Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) có bổ sung một số đối tượng chịu thuế: Nước giải khát có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Đồng thời, sửa đổi đối tượng chịu thuế: Xe ô tô (bổ sung loại xe bốn bánh chở người có gắn động cơ) và tàu bay (sửa đổi theo hướng chỉ quy định “máy bay, trực thăng, tàu lượn”).