Bảo đảm cân đối gạo xuất khẩu và tiêu dùng nội địa
Giá gạo Việt Nam cao nhất trong vòng 10 năm
Thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam cho biết, kể từ đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam đã liên tục tăng mạnh. Giá gạo XK loại 5% tấm của Việt Nam trong tuần qua vẫn tiếp tục tăng và được giao dịch ở mức 528 USD/tấn. Trong nửa đầu năm nay, giá gạo XK trung bình của Việt Nam đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái, theo diễn biến chung trên toàn thế giới. “Đây là vùng giá cao nhất trong 10 năm qua của gạo nước ta, thậm chí có lúc còn vượt qua giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ” - Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam nhận định.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng năm nay XK gạo gặp thuận lợi nhất. Nhu cầu nhập khẩu tại thị trường cũ như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh. Cùng với đó, gạo XK sang các thị trường mới như Indonesia, một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến. Việc XK này tiếp tục gặp thuận lợi khi mới đây Ấn Độ đã có quyết định chính thức về việc cấm XK gạo…
Trong năm 2022, Ấn Độ XK được 22,2 triệu tấn gạo - tương đương 40% tổng lượng gạo XK toàn cầu. Lượng gạo XK của nước này nhiều hơn tổng XK của 4 nước XK gạo lớn tiếp theo cộng lại (Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Hoa Kỳ). Trong đó, các loại gạo tẻ chiếm hơn 80% tổng lượng gạo XK của Ấn Độ. Do đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc Ấn Độ cấm XK các loại gạo tẻ là cơ hội “vàng” cho các quốc gia XK gạo khác như Việt Nam tăng tốc chiếm lĩnh thị phần tại các thị trường mà gạo Ấn Độ đang chi phối.
Cơ hội mới nhưng cần thận trọng
Đại diện Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam nhận định, là quốc gia đứng đầu về thương mại gạo toàn cầu, quyết định của Ấn Độ không chỉ khiến giá gạo tiếp tục tăng mà còn tạo ra khoảng trống thị trường tiềm năng cho Việt Nam và Thái Lan. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng bởi hiện tượng thời tiết El Nino (hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh đi so với bình thường, xảy ra cứ sau hai đến bảy năm - PV) quay trở lại trong năm nay sau 3 năm liên tiếp xuất hiện La Nina đang khiến nhiều quốc gia “ngồi trên đống lửa”. Để đối phó với El Nino, nhiều quốc gia như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và các nước châu Phi đã đẩy mạnh dự trữ gạo để bảo đảm an ninh lương thực.
Đại diện VFA cho biết, giá lúa gạo trong nước biến động tăng lên từng ngày. Thị trường quốc tế cũng đang đưa ra mức giá cao. Cùng với đó, Trung Quốc, Indonesia đang tăng mua gạo nhưng trước tình hình chính trị và Elnino như hiện nay, hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực nên Việt Nam cần thận trọng trong các động thái với kinh doanh XK gạo.
Trước đó, ngay sau khi Ấn Độ có quyết định cấm XK gạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có công văn đề nghị VFA phối hợp tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam... thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo, bảo đảm cân đối XK và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường gạo; chủ động trao đổi, tổng hợp ý kiến của hội viên về khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng, lưu thông gạo trên thị trường trong nước và quốc tế để báo cáo và đề xuất giải pháp phù hợp với các bộ, ngành liên quan.
Cục Xuất nhập khẩu cũng đề nghị tất cả các thương nhân kinh doanh XK gạo thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về việc thu mua thóc, gạo hàng hoá nhằm bảo đảm cân đối XK và tiêu dùng nội địa; duy trì mức dự trữ lưu thông theo quy định, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước và bảo đảm an ninh lương thực. Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, tổ chức phương án sản xuất, XK phù hợp, bảo đảm XK có hiệu quả. Đặc biệt, nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về lượng thóc, gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng XK gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.
Theo số liệu sơ bộ Tổng cục Hải quan vừa công bố, nửa đầu tháng 7 cả nước XK gần 250 nghìn tấn gạo, kim ngạch đạt 135,45 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/7, cả nước XK hơn 4,48 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch tăng trưởng cao hơn lượng nên trị giá bình quân mỗi tấn gạo XK năm nay cũng cao hơn cùng kỳ 2022.
Cụ thể, từ đầu năm đến 15/7, trị giá bình quân đạt hơn 530 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 490 USD/tấn. Đáng chú ý, giá gạo XK trung bình của Việt Nam trong tháng 6/2023 lên tới 650 USD/tấn, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 3 thị trường XK lớn nhất của Việt Nam đều thuộc châu Á gồm: Philippines, Trung Quốc và Indonesia.