Bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, minh bạch trong công tác cán bộ
Trách nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Quy định nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong công tác cán bộ của hệ thống chính trị; đánh giá cán bộ khách quan, công tâm; lựa chọn và bố trí đúng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu quả công tác quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Quy định nêu rõ các nội dung về phân cấp quản lý cán bộ; bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; bổ nhiệm lại, giới thiệu tái cử; điều động và biệt phái cán bộ. Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thực hiện định hướng và quyết định những chủ trương, vấn đề hệ trọng về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trực tiếp quyết định một số nội dung trong công tác cán bộ; phân công, phân cấp cho các cấp ủy, tổ chức đảng quyết định một số nội dung đối với các chức danh lãnh đạo thuộc diện Trung ương quản lý và các chức danh cán bộ khác; ủy quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư quyết định một số khâu, nội dung trong công tác cán bộ.
Về trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Chính trị, Quy định nêu rõ, Bộ Chính trị quyết định chủ trương, chính sách về công tác cán bộ và cán bộ theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng những vấn đề lớn về công tác cán bộ, chiến lược cán bộ; chuẩn bị và giới thiệu nhân sự để Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, bầu Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương), Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Bộ Chính trị xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước khi giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu, phê chuẩn đối với các chức danh Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Chính phủ. Cùng với đó, kỷ luật cán bộ và những vấn đề khác về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương Đảng…
Về trách nhiệm và quyền hạn của Ban Bí thư, theo Quy định, Ban Bí thư quyết định kiểm tra, giám sát công tác cán bộ theo ủy quyền của Bộ Chính trị. Ban Bí thư ủy quyền cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư trong phạm vi, lĩnh vực phụ trách xem xét quyết định phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với cán bộ diện Ban Bí thư quản lý giữ các chức danh, chức vụ có cơ cấu kiêm nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam với các nước, các ban chỉ đạo theo quy định…
Thường trực Ban Bí thư có trách nhiệm chủ trì cùng Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét kết quả bầu cử và quyết định chuẩn y ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư; ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra và các chức danh bầu bổ sung của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Chỉ định bổ sung cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Trung ương, ủy viên đảng đoàn, ban cán sự đảng trực thuộc Trung ương theo quy định của Điều lệ Đảng. Thường trực Ban Bí thư cho ý kiến về nhân sự thư ký của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Không bổ nhiệm cán bộ bị kỷ luật vào vị trí cao hơn
Quy định 80 nêu rõ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức vụ cao hơn. Cụ thể, về nguyên tắc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, cấp uỷ, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử theo thẩm quyền; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, phát huy đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của từng thành viên và người đứng đầu. Bảo đảm sự ổn định, kế thừa và phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Quy định nêu rõ không bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, phong, thăng quân hàm đối với cán bộ, đảng viên đang bị xem xét, xử lý kỷ luật.
Theo Quy định này, nhân sự được bổ nhiệm, giới thiệu phải có hồ sơ, lý lịch cá nhân, bản kê khai tài sản, thu nhập đầy đủ, rõ ràng và được cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, xác minh. Về độ tuổi, Bộ Chính trị quy định rõ, cán bộ các cơ quan trong hệ thống chính trị được đề nghị bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý (cao hơn) lần đầu phải đủ tuổi để công tác trọn 1 nhiệm kỳ. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các nhân sự này phải có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bộ Chính trị cũng lưu ý, cán bộ bị kỷ luật thì không phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào chức vụ cao hơn chức vụ khi bị kỷ luật trong khoảng thời gian tương ứng với từng mức kỷ luật… Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký; và thay thế Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 249 ra ngày 6/9/2022)