Báo chí đồng hành, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp Thủ đô
Chủ trì Diễn đàn có nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn Ban Biên tập Tạp chí Người Làm Báo; nhà báo Nguyễn Minh Đức - Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị; TS. Mạc Quốc Anh - Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội; TS Đinh Viết Hoà - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia.
Tham dự Diễn đàn còn có lãnh đạo Hội nhà báo thành phố Hà Nội, các Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập, phóng viên, biên tập viên, cộng đồng doanh nghiệp và các hội viên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội tham dự.
Nội dung chương trình Diễn đàn đề cập đến thành tựu của doanh nghiệp Thủ đô năm 2022 và triển vọng phát triển kinh tế xã hội Thủ đô năm 2023; mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp hợp tác vì sự phát triển; những kiến nghị đề xuất để báo chí và doanh nghiệp cùng đồng hành vì sự phát triển. Đặc biệt, Diễn đàn nêu vai trò, những thuận lợi và khó khăn của người làm báo khi đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Toàn cảnh Diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp Thủ đô - Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên”.
Phát biểu tại Diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Cố vấn Ban Biên tập Tạp chí Người Làm Báo chia sẻ: “Diễn đàn “Báo chí - doanh nghiệp Thủ đô - Giữ vững niềm tin, tiếp bước đi lên” là cơ hội để các cơ quan báo chí, các nhà báo, doanh nghiệp thảo luận, phân tích làm rõ những vấn đề đặt ra trong hoạt động thực tiễn về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp.
Đồng thời, Diễn đàn cũng chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp, từ đó, nâng cao hơn nữa hiệu quả truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Khẳng định vai trò của báo chí là cầu nối giữa Nhà nước với doanh nghiệp, từ đó thắt chặt mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, sự minh bạch chính là mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa báo chí và doanh nghiệp. Báo chí cần doanh nghiệp, không phải với tư cách các nhà quảng cáo có thể mở hầu bao nuôi sống báo chí, mà như những nguồn thông tin minh bạch, chính xác, tạo ra giá trị tin cậy cao đối với bạn đọc. Ngược lại, doanh nghiệp cần báo chí với tư cách các kênh truyền thông trung lập, mạnh mẽ, hiệu quả, để thông điệp truyền thông của doanh nghiệp được lan toả”.
Nhà báo Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hội nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, thông tin chính thống trên báo chí đã trở thành điểm tựa cho doanh nghiệp vững tin kinh doanh sản xuất. Bên cạnh đó, quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp còn thể hiện ở sự đồng hành trong hoạt động xây dựng thương hiệu, quảng cáo sản phẩm cho doanh nghiệp...”
Tại Diễn đàn, TS. Mạc Quốc Anh - Bí thư Đảng uỷ, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội chia sẻ: “Quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp và báo chí luôn đồng hành, song hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển, báo chí là sân chơi tuyên truyền lan toả những mặt tích cực của doanh nghiệp, lan toả những gương điển hình tiên tiên trong sản xuất và kinh doanh, đưa hình ảnh sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng ưu chuộng với chất lượng tốt và giá thành hợp lý tới cộng đồng người tiêu dùng.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có sản phẩm không đảm bảo chất lượng tới cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp sản xuất để từ đó có giải pháp cải tiến hợp lý hoá chất lượng và giá thành sản phẩm. Báo chí cũng là nơi cảnh báo những sản phẩm không đảm tới ngăn ngừa trước khi tới đông đảo công chúng. Mối quan hệ tương hỗ luôn cùng nhau hỗ trợ đồng hành cùng hướng tới những sản phẩm uy tín nhất. Từ đó các ngành sản xuất hàng hoá phát triển góp phần tăng trưởng sản xuất kinh doanh nhằm phát triển kinh tế xanh và bền vững.”
Tương tự, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế đồng tình: “Sự “cộng sinh” của các doanh nghiệp với báo chí còn thể hiện ở chỗ thông qua “cầu trung gian” báo chí, doanh nghiệp có thể phản ánh trung thực và nhanh chóng nguyện vọng của mình lên cấp có thẩm quyền chính sách hoặc tác động đến thị hiếu tiêu dùng xã hội, thậm chí tạo áp lực đến những thay đổi chính sách và xu hướng thị trường lớn cả cấp vi mô và vĩ mô, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến lĩnh vực và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển bền vững.
Thúc đẩy và tăng cường sự kết nối của doanh nghiệp về kinh tế được hiểu là việc làm chặt chẽ, phong phú, đa dạng và đầy đủ hơn các quan hệ tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp của cộng đồng doanh nghiệp với nhau và với thị trường, các cơ quan quản lý và người tiêu dùng trong chuỗi các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị của đời sống mỗi doanh nghiệp nói riêng và đời sống kinh tế - xã hội nói chung, cả trên phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế, cả hiện tại và tương lai. Trong số các công cụ hỗ trợ sự kết nối này của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, báo chí chiếm một vị trí quan trọng và đắc lực không thể thay thế.”
Dưới góc độ doanh nghiệp, CEO Từ Nguyên Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Bình Tâm Brothers, Trưởng đại diện Văn phòng phía Nam kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ HCA cho hay: “Có thể khẳng định, mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp đã được cộng đồng quan tâm, tìm hiểu, với những nỗi trăn trở riêng, chung. Thực trạng, một số doanh nhân, doanh nghiệp khi đón tiếp và làm việc với báo chí, hoặc tên tuổi cá nhân, tên công ty, tên sản phẩm xuất hiện trên báo, thường sẽ diễn ra hai trạng thái phổ biến: Vui, vì được vinh danh, khen ngợi, được nêu gương điển hình cho một xu hướng tích cực.
Ngược lại, khi bị báo chí phanh phui, nghe lên báo là hoang mang, ảnh hưởng lớn từ tiến độ sản xuất, kinh doanh, đến đời sống tâm lý, sức khỏe tinh thần và thể chất. Doanh nghiệp có vi phạm, báo chí đề cập là phải chấp nhận. Nhưng vẫn có một số tình huống việc thông tin bị sai lệch hoặc quan điểm người làm báo, cách làm báo chưa bám sát thực tiễn, chưa tạo ra được những sản phẩm báo chí có tác động điều chỉnh, giúp cộng đồng doanh nghiệp rút ra bài học tốt hơn trong quản trị, điều hành công ty. Qua thực tiễn, chúng tôi khẳng định: Báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, mối quan hệ hợp tác, đồng hành. Báo chí thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Đó là những quan điểm cần quan tâm, đề cao và phát huy.”
Có thể khẳng định thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đã không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, đóng góp trên 30% ngân sách cho Thành phố, tạo công ăn việc làm cho hơn 50% lao động. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức, đặc biệt sau đại dịch Covid-19.
Trước những yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, doanh nghiệp Thủ đô với khát vọng tạo ra động lực mới, đóng góp tích cực cho Hà Nội phát triển xứng tầm. Trong sự phát triển đó, báo chí đã và đang đóng vai trò quan trọng giúp cho cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị mình.