1. Trang chủ /
  2. Bạo lực băng đảng căng thẳng ở thủ đô Haiti

Bạo lực băng đảng căng thẳng ở thủ đô Haiti

thứ hai, 11/3/2024 11:14 GMT+07
Ngày 10/3, tiếng súng vẫn vang lên trên đường phố ở thủ đô Haiti. Các điều kiện nhân đạo tiếp tục xấu đi. Các nhóm viện trợ và tổ chức phi chính phủ đã cảnh báo về tình trạng thiếu nguồn lực y tế và nguồn cung cấp thực phẩm.

Bạo loạn leo thang

Tuần trước các nhóm vũ trang đã gây ra tình trạng hỗn loạn trên diện rộng tại quốc gia Caribe vốn gặp khó khăn lâu nay.

Theo một nhà báo có mặt tại hiện trường, tiếng súng vang lên khắp thủ đô vào cuối ngày thứ Sáu, đặc biệt tập trung ở các quận phía Tây Nam Turgeau, Pacot, Lalue và Canape-Vert.

haiti.jpg
Văn phòng Cảnh sát trưởng Salomon ở Port-au-Prince, Haiti sau khi bị các thành viên băng đảng đốt cháy, ngày 7/3/2024. (Ảnh: Reuters)

Người dân sợ hãi tìm nơi trú ẩn. Các nhân chứng cho biết, họ đã chứng kiến ​​các cuộc đụng độ "giữa cảnh sát và bọn cướp" khi các băng nhóm dường như cố gắng chiếm giữ các đồn cảnh sát ở trung tâm thành phố.

Các nhóm tội phạm, hiện đã kiểm soát phần lớn thủ đô Port-au-Prince cũng như các con đường tỏa đi khắp đất nước, đã tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng trong những ngày gần đây, bao gồm cả hai nhà tù khiến phần lớn trong số 3.800 tù nhân trốn thoát.

Các băng nhóm, cùng với một số người dân Haiti bình thường, đang yêu cầu Thủ tướng Ariel Henry từ chức, người dự kiến ​​rời nhiệm sở vào tháng 2 nhưng thay vào đó lại đồng ý thỏa thuận chia sẻ quyền lực với phe đối lập cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức.

Hôm thứ Năm (ngày 7/3), Chính phủ đã ban hành tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng cho khu vực phía Tây, bao gồm cả thủ đô, đồng thời ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm cho đến thứ Hai.

Nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng

Sân bay Haiti vẫn đóng cửa hôm thứ Sáu (ngày 8/3), trong khi cảng chính - điểm nhập khẩu thực phẩm quan trọng - liên tục diễn ra các vụ cướp bóc kể từ khi sân bay dừng cung cấp các dịch vụ vào thứ Năm, bất chấp những nỗ lực thiết lập vành đai an ninh.

Tổ chức phi chính phủ Mercy Corps cảnh báo trong một tuyên bố: “Nếu chúng tôi không thể tiếp cận những thùng chứa (đầy thức ăn) đó, người dân Haiti sẽ sớm rơi vào tình trạng cạn kiệt lương thực”.

Một liên minh của các quốc gia Caribe, CARICOM, hôm thứ Sáu đã triệu tập các đặc phái viên từ Mỹ, Pháp, Canada và Liên hợp quốc tới một cuộc họp vào thứ Hai tại Jamaica để thảo luận về sự bùng phát bạo lực.

Tổng thống Guyana Irfaan Ali cho biết, cuộc họp sẽ thảo luận "các vấn đề quan trọng nhằm ổn định an ninh và cung cấp hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp".

Cuộc khủng hoảng đã thu hút sự quan ngại từ Mỹ, nước đã yêu cầu Thủ tướng Henry vắng mặt tiến hành cải cách chính trị "khẩn cấp" để ngăn chặn leo thang thêm.

Thủ tướng Henry đang ở Kenya khi bạo lực bùng phát và không thể quay lại Haiti. Thủ tướng được cho là đang bị mắc kẹt ở Puerto Rico.

Liên hợp quốc cảnh báo hôm thứ Sáu (ngày 8/3) rằng hàng nghìn người, đặc biệt là phụ nữ mang thai, có nguy cơ mất đi sự chăm sóc sức khỏe quan trọng khi cuộc khủng hoảng kéo dài.

“Nếu Port-au-Prince tiếp tục bế tắc trong những tuần tới, gần 3.000 phụ nữ mang thai có thể bị từ chối tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu và gần 450 người có thể phải đối mặt với các biến chứng sản khoa đe dọa tính mạng nếu họ không nhận được hỗ trợ y tế”. Văn phòng Liên hợp quốc tại Haiti cho biết trong một tuyên bố.

Tổ chức này cũng cảnh báo rằng hơn 500 nạn nhân bị bạo lực tình dục có thể không được chăm sóc y tế vào cuối tháng 3 nếu điều kiện không được cải thiện.

Điều phối viên thường trú và nhân đạo của Liên hợp quốc Ulrika Richardson cho biết: "Ngày nay, có quá nhiều phụ nữ và trẻ em gái ở Haiti là nạn nhân của bạo lực bừa bãi do các băng nhóm vũ trang gây ra. Liên hợp quốc đứng về phía họ và cam kết tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ mà họ cần".

Ngoài ra, hàng trăm nghìn học sinh có thể thất học khi các trường học và văn phòng Bộ Giáo dục bị phá hoại.

Một tuyên bố từ Bộ Giáo dục và Dạy nghề Quốc gia cho biết “những thiệt hại không thể khắc phục” như vậy có thể khiến học sinh không thể nhận được bảng điểm hoặc bằng cấp trong tương lai, đồng thời kêu gọi bảo vệ trường học như một “lợi ích công cộng” không thể xâm phạm.