1. Trang chủ /
  2. Báo động ma túy tổng hợp trá hình dưới dạng đồ ăn

Báo động ma túy tổng hợp trá hình dưới dạng đồ ăn

thứ ba, 2/8/2022 09:43 GMT+07
(PLM) - Núp bóng tinh vi dưới vỏ bọc của các loại đồ ăn, thức uống thông thường và biến đổi liên tục nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, ma túy tổng hợp được xem là kẻ giết người thầm lặng, khi bất kỳ ai cũng có thể vô tình bước vào con đường dẫn đến “cái chết trắng” mà không hề nhận ra.
Ma túy tổng hợp thế hệ mới rất nguy hiểm, núp bóng dưới dạng đồ ăn bánh kẹo. Ảnh: BA Ma túy tổng hợp thế hệ mới rất nguy hiểm, núp bóng dưới dạng đồ ăn bánh kẹo. Ảnh: BA

Ẩn họa mang tên "cái chết trắng"

Theo Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, thời gian qua, trên thế giới và Việt Nam xuất hiện loại ma túy núp bóng dưới hình thức thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy. Theo đó, ma túy được các đối tượng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Điều nguy hiểm là loại ma túy này ở một số nước trên thế giới không cấm và cho phép sản xuất với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng. Do đó, đây là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, lén lút mang vào Việt Nam phát tán, sử dụng dẫn đến ngộ độc trong thời gian qua.

Đơn cử, ngày 27/7, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một nữ bệnh nhân trong tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp. Gia đình đã mang mẫu lọ dung dịch thuốc lá điện tử mà bệnh nhân này đã hút đến để các bác sỹ của Trung tâm Chống độc xác định độc chất. Kết quả xét nghiệm mẫu từ Viện Pháp y Quốc gia tìm thấy có chất cần sa tổng hợp ADB-BUTINACA trong lọ dung dịch. Vì vậy, có thể xác định, bệnh nhân bị ngộ độc do chất cần sa tổng hợp có trong thuốc lá điện tử. Đây là loại ma túy thế hệ mới và là chất độc.

Trước đó, ngày 30/5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - Cơ sở 2 tiếp nhận và điều trị 5 bệnh nhân có triệu chứng lơ mơ, khó thở. Qua khai thác được biết, các bệnh nhân sau khi ăn sô-cô-la khoảng 20 phút thì xuất hiện dấu hiệu bồn chồn, khó thở, sau đó bất tỉnh và được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Công an huyện Đông Anh, Hà Nội đã đến tiếp nhận vụ việc và gửi mẫu sô-cô-la được đóng vào hộp giấy ghi nhãn hiệu Socola Chill Max đến trưng cầu giám định tại Phòng Kỹ thuật Hình sự, Công an TP Hà Nội.

Sau khi tiếp nhận trưng cầu, lực lượng chức năng đã tìm thấy chất ADB-BUTINACA trong các viên sô-cô-la. Chất ADB-BUTINACA là chất thường được phát hiện có trong các mẫu "cỏ Mỹ". ADB-BUTINACA có tác dụng gây ảo giác tương tự như các chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp được tẩm vào các mẫu thảo mộc, nhưng không có trong danh mục các chất ma túy theo các nghị định của Chính phủ.

Nâng cao nhận thức để tự bảo vệ bản thân

Một đặc điểm chung là các loại ma túy mẫu mới trên đều có hình thức, màu sắc bắt mắt, gây tò mò cao với nhóm trẻ vị thành niên với tâm lý muốn thử nghiệm cảm giác lạ, muốn tự khẳng định bản thân và có xu hướng mạo hiểm trong khi chưa nhận thức được đầy đủ về tác hại mà các chất cấm gây ra. Đặc biệt nguy hiểm hơn là trên một số diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, nhiều đối tượng đã mở topic chia sẻ các trải nghiệm khi sử dụng các chất thức thần để cổ vũ, lôi kéo người sử dụng các loại ma túy dạng mới như "cỏ Mỹ" (thảo mộc tẩm ướp hóa chất có tác dụng gây ảo giác như cần sa), "tem giấy" và "nấm thần". Những câu chuyện "trải nghiệm" được kể hấp dẫn như một chuyến du lịch khám phá...

Theo các chuyên gia, gia đình và nhà trường cần có sự kết hợp nâng cao hình thức tuyên truyền, giáo dục cho con em, học sinh bằng các buổi chuyên đề hướng dẫn cách phòng, tránh các chất gây nghiện. Để học sinh, thanh thiếu niên có thể tự bảo vệ chính mình khỏi “cái chết trắng” đang biến tướng ngày càng tinh vi.

Thông thường có thể chỉ ra một vài điểm nhận diện chung của các sản phẩm ma túy thế hệ mới này như: Chúng thường được bán ở những địa điểm vui chơi giải trí, có nguy cơ cao tiềm ẩn những hành vi không lành mạnh như quán karaoke, pub, quán bar. Các sản phẩm này thường có nhãn hiệu, cách đóng gói, màu sắc rất đặc biệt, trên bao bì thường xuất hiện nhiều hình thù và thông tin kì quái và không chính thống. Nhận diện dựa vào một số cụm từ đặc biệt xuất hiện trên bao bì như: “Mạnh quá”, “nóng hổi”, “cay”… có thể bằng tiếng Việt hoặc các ngôn ngữ khác nhưng mang nghĩa tương tự.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt. Thực chất, đó là ma túy pha trộn với thực phẩm và đồ uống. Thông thường, người vận chuyển, tàng trữ, mua bán loại này biết đó là ma túy, nhưng khi bị bắt thường che giấu, giả vờ không biết nhằm chối tội.

Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục tăng cường cập nhật, theo dõi, thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến tội phạm về ma túy núp bóng các loại thực phẩm, đồ uống để thông báo, chỉ đạo, hướng dẫn công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc tuyên truyền tới nhân dân và kịp thời phát hiện, bắt giữ, điều tra, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.