1. Trang chủ /
  2. Báo động tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lô: Kì 3: Trách nhiệm thuộc về ai?

Báo động tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lô: Kì 3: Trách nhiệm thuộc về ai?

thứ năm, 6/7/2023 11:36 GMT+07
Công cuộc đấu tranh phòng , chống tham nhũng, tiêu cực, cùng với chủ trương khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đang được Đảng và Nhà nước ta đẩy mạnh, tình trạng khai thác tài nguyên cát, sỏi với nhiều sai phạm trên sông Lô như loạt bài mà Báo PLVN phản ánh đã và đang đặt ra vấn đề: Hành vi sai phạm ngang nhiên diễn ra trong một thời gian dài, tại sao cơ quan chức năng chưa có biện pháp xử lý? Có hay không việc buông lỏng quản lý, ngại va chạm, đùn đẩy trách nhiệm hay một nguyên nhân nào đó đang gây “khó khăn” trong việc xử lý? Trách nhiệm này thuộc về ai?
Phương tiện có dấu hiệu hoạt động trái phép trên sông Lô Phương tiện có dấu hiệu hoạt động trái phép trên sông Lô

Như Báo PLVN đã phản ánh, từ mờ sáng đến tối muộn hàng ngày, người dân khu vực sông Lô giữa hai xã Bạch Lưu, huyện sông Lô, Vĩnh Phúc giáp ranh với xã Trị Quận và xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh, Phú Thọ quá quen thuộc với tiếng động cơ máy móc náo nhiệt của hàng chục phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi. Các phương tiện khai thác thậm chí chỉ cách vị trí sạt lở nguy hiểm chỉ khoảng vài chục mét. Người dân không dám lên tiếng vì: “Cơ quan chức năng không có ý kiến can thiệp, thì người dân chúng tôi sao dám lên tiếng” - một người dân thôn Xóm Làng, xã Bạch Lưu (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) chia sẻ.

Mọi vi phạm phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt triển khai kết luận và quy định của Trung ương về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, sáng 9/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải chủ động tấn công, xử lý nghiêm tiêu cực, đồng thời có cơ chế khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm". Và mới đây, trong cuộc họp thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/5/2023 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban chỉ đạo, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “Kiên quyết, kiên trì, không nghỉ, không ngừng, không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Phương tiện có dấu hiệu hoạt động trái phép trên sông Lô
Phương tiện có dấu hiệu hoạt động trái phép trên sông Lô

Phải chăng sự chưa rõ ràng trong việc phân vùng địa bàn quản lý là “lỗ hổng” để cho các đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi “hút máu” tài nguyên trên sông Lô, thu lợi bất chính? Hay có sự buông lỏng quản lý, ngại va chạm, đùn đẩy trách nhiệm hoặc vì một lý do nào đó mà để “cát tặc” thực hiện hành vi khai thác cát, sỏi trên sông Lô trái phép diễn ra ngang nhiên trong thời gian dài như vậy? Cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm này?.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, phân tích: Điều 48 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (thay thế cho Nghị định 33/2017/NĐ-CP) quy định: Hành vi vi phạm về khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xử phạt từ 20.000.000 đồng - 200.000.000 đồng (tương ứng khoáng sản đã khai thác trái phép dưới 10m3 đến trên 50m3). Đồng thời, tịch thu toàn bộ khoáng sản được quy đổi bằng tiền; tịch thu phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Buộc cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác về trạng thái an toàn; đền bù, trả kinh phí khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình dân dụng do hành vi vi phạm gây ra...

Ngoài những mức xử phạt vi phạm hành chính như trên, hành vi khai thác cát, sỏi trái phép có thể bị xử lý hình sự.

Tàu vận chuyển đang “ăn hàng”
Tàu vận chuyển đang “ăn hàng”

Cùng với đó tại điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên cụ thể:

“Người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác 500.000.000 đồng trở lên; khoáng sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; có tổ chức; Gây sự cố môi trường; làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật trả lời phỏng vấn
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật trả lời phỏng vấn

Về hình thức xử lý đối với hành vi điều khiển, đưa các phương tiện tàu vận tải (chở cát, sỏi) hết đăng kiểm vào hoạt động, căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định 139/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thì phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây, áp dụng đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người: Không mang theo Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo quy định; Không đăng kiểm lại phương tiện theo quy định; Không khai báo để xóa tên phương tiện hoặc khai báo không đúng sự thật để đăng kiểm phương tiện theo quy định. Ngoài ra khoản 1 Điều 18 của Nghị định nêu trên phạt tiền từ 65.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng phương tiện quá niên hạn sử dụng theo quy định.Hình thức xử phạt bổ sung:Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này”.

Sai phạm đã khá rõ ràng, tình trạng tài nguyên trên sông Lô bị “rút ruột” vẫn tiếp tục diễn ra khá ngang nhiên những ngày gần đây. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này./.