Báo động về tình trạng tan chảy hàng loạt thềm băng ở Nam Cực
Theo nghiên cứu mới công bố ngày 12/10, khối lượng của 40% thềm băng Nam Cực đã giảm mạnh trong 25 năm qua, làm tăng nguy cơ nước biển dâng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy phạm vi các thềm băng bị bào mỏng đi rộng hơn so với suy đoán trước đó, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lục địa này đang ngày càng bị tác động mạnh hơn bởi tình trạng ấm lên toàn cầu.
Tiến sỹ Benjamin Davison, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Rất nhiều thềm băng, không chỉ những thềm băng lớn, đang mất dần khối lượng theo thời gian mà không có dấu hiệu phục hồi.”
Thềm băng là những khối băng khổng lồ kéo dài từ các sông băng trên đất liền. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm chậm dòng chảy băng trên đất liền vào đại dương, bằng cách hoạt động như một bức tường bao quanh gần như toàn bộ bờ biển.
Khi các thềm băng mỏng đi hay biến mất, băng trên đất liền có thể chảy vào đại dương nhanh hơn và đẩy nhanh vấn đề mực nước biển dâng.
Các mảng băng ở Nam Cực và Greenland chiếm 1/3 nguyên nhân gây dâng mực nước biển dâng trong những thập kỷ gần đây.
Phân tích hơn 100.000 hình ảnh vệ tinh từ năm 1997 đến năm 2021, Tiến sỹ Davison và các đồng nghiệp phát hiện ra rằng 71 trong số 162 thềm băng bao quanh Nam Cực đã giảm thể tích.
Gần 50 thềm băng đã mất hơn 30% khối lượng ban đầu trong quãng thời gian đó. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy 29 thềm tăng khối lượng và 62 thềm băng không thay đổi khối lượng đáng kể trong khoảng thời gian nghiên cứu.
Tiến sỹ Davison cho biết thông thường các thềm băng sẽ giảm khối lượng khi phần ngoài của thềm băng vỡ ra biển. Nhưng sau đó, thềm băng có thể thu lượng băng từ đất liền và phát triển trở lại một cách tự nhiên theo thời gian.
Tuy nhiên, phần lớn các thềm băng ngày càng thu hẹp lại, cho thấy chu kỳ tự nhiên này đã bị ảnh hưởng.
Phần lớn nhất của các thềm băng bị thu hẹp được phát hiện ở phía Tây Nam Cực, nơi dòng hải lưu ấm hơn có thể làm xói mòn các thềm băng từ bên dưới.
Tuy nhiên, hầu hết các thềm băng ở Đông Nam Cực đều tăng về khối lượng hoặc giữ nguyên khi khu vực này được bảo vệ bởi một dòng hải lưu lạnh gần bờ biển, giúp ngăn cản dòng hải lưu ấm ở ngoài khơi.
Mặc dù vậy, nghiên cứu vẫn cho thấy khối lượng băng đang bị thu hẹp. Tiến sỹ Davison cho biết một giả thuyết là vùng nước ấm hơn ở phía Tây có thể đang dần xâm nhập vào khu vực.
Một trong những vụ sập thềm băng lớn nhất xảy ra ở Đông Nam Cực vào tháng 3/2022 khi thềm băng Conger - có kích thước bằng thành phố New York - sụp đổ hoàn toàn, có thể bắt nguồn từ một đợt nắng nóng kỷ lục ở Nam Cực.
Trong thời gian nghiên cứu kéo dài 25 năm, nhóm nghiên cứu ước tính có 66,9 nghìn tỷ tấn nước ngọt từ thềm băng đã chảy vào đại dương.
Nước ngọt có thể làm loãng độ mặn của nước biển và làm suy yếu tốc độ lưu thông của đại dương - một sự thay đổi mà các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy ở khắp Nam Cực.
Việc thềm băng suy giảm đã khiến sông băng di chuyển nhanh hơn, làm mực nước biển toàn cầu tăng thêm 6mm kể từ khi bắt đầu nghiên cứu.
Dù Nam Cực chỉ đóng góp 6% trong tổng mực nước biển dâng, song con số này có thể tăng mạnh nếu các thềm băng tiếp tục thu hẹp.
Nhà khoa học về băng Alex Gardner cho biết kết quả của nghiên cứu đã xác nhận các công trình nghiên cứu trước đây về sự thay đổi của thềm băng, trong đó cho thấy mức độ mỏng dần của thềm băng trên khắp lục địa.
Tiến sỹ Davison cho biết thời gian nghiên cứu dữ liệu thềm băng hiện tại chưa đủ dài để các nhà khoa học đưa ra kết luận chắc chắn về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các thềm băng. Nhưng ông cho rằng sẽ là một “sự trùng hợp đáng chú ý” nếu sự biến đổi tự nhiên ở các thềm băng lớn hơn nhiều.
Ngoài ra, nhiều mô hình khí hậu dự đoán các tảng băng sẽ dần dần co lại khi nhiệt độ Trái Đất nóng lên, cuối cùng đạt đến điểm bùng phát có thể dẫn đến sự tan chảy của các mảng băng trong một thiên niên kỷ.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Davison cảnh báo con người không cần phải chờ đến điểm bùng phát đó để nhận thấy các hiệu ứng trên phạm vi toàn cầu./.