Bảo tháp Mandala Tây Thiên lắng đọng trong lễ mừng Phật đản sinh
Đoàn Phật tử thành kính thực hiện nghi lễ dâng cúng nước tắm Phật.
Buổi lễ diễn ra trong trọn vẹn sáng ngày Rằm tháng Tư (15/5) cùng với nhiều nghi lễ Phật giáo đầy đạo vị: vi nhiễu Bảo tháp, cúng dàng nước tắm Phật, dâng hương hoa lễ Tam bảo, đọc tụng kinh sách ngợi ca về cuộc đời và công hạnh của Đức Phật, pháp tu trì Phật Bản tôn và Pháp hội cúng dàng hợp nhất từ bi và trí tuệ.
Đặc biệt dưới sự hướng dẫn của chư ni Tây Thiên, lần đầu tiên Phật tử và khách dự lễ được trực tiếp thực hiện nghi lễ dâng cúng nước tắm Phật.
Theo đó người cúng nước cần tự tay múc nước thanh khiết vào bát hoa sen, rồi đi vòng quanh ngôi Bảo tháp (nhiễu tháp); đi thật chậm rãi theo chiều kim đồng hồ và thầm đọc tụng câu chân ngôn (trì chú) của Đức Phật - Om Muni Muni Maha Muniye Soha; đồng thời gửi gắm tâm nguyện sức khỏe, bình an cho mình và mọi người.
Ni Sư Trụ trì Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên giảng: “Điều quan trọng bạn cần lắng tâm tập trung vào niệm chú, mỗi bước đi khoan thai, giữ cho bát nước không bị sóng tràn làm rớt nước ra ngoài - đây cũng là cách thực hành định tâm và tích lũy công đức (trong cách hiểu phước đức ví như bát nước đầy).
Nghi lễ tắm Phật bao giờ cũng là phần kéo dài nhất trong lễ Phật đản vì ai có mặt cũng đều không muốn bỏ qua phúc duyên này. Khi tắm Phật, gáo nước thứ nhất sẽ xối từ vai bên trái tôn tượng Đức Phật với ý nghĩa nguyện bỏ điều ác. Gáo nước thứ hai xối cánh tay bên phải của Đức Phật với ý nghĩa nguyện làm những điều lành. Gáo nước thứ ba sẽ xối lên đôi bàn chân của Đức Phật nguyện độ tất cả chúng sinh.
Nhiều Phật tử có chung cảm nhận trong lúc tắm Phật cũng là lúc tắm gội lòng mình, cảm thấy nhẹ nhàng bình an.
Một Phật tử nam chia sẻ: "Trong lúc rơi vào tình cảnh khó khăn, lễ tắm Phật đã đem lại cho tôi sự đổi mới, làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và giúp tịnh hóa tâm hồn khi tôi rưới nước thơm lên tượng Phật. Tuy nhiên tôi cảm thấy rằng, tẩy sạch bụi bẩn ở bên ngoài thì dễ, nhưng để tẩy sạch những vết nhơ của tham, sân, si ở trong tâm chúng ta thì khó hơn rất nhiều. Việc tắm Phật nhắc nhở chúng ta chuyên cần tu tập để thanh lọc thân tâm".
Từ người già đến trẻ nhỏ đều thành kính, hân hoan dâng nước tắm Phật bởi ý nghĩa của nghi lễ này giống như lời nhắc nhở - mỗi chúng ta đều có một Đức Phật trong lòng.
Mùa Phật đản năm 2022 có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam khi mà dịch COVID-19 đã được kiểm soát; cuộc sống trở lại bình thường, kinh tế - xã hội đang trên đà hồi phục phát triển nhanh và bền vững, đời sống văn hóa, sinh hoạt tâm linh mang lại sự phấn khởi, tươi vui cho tất cả mọi người.
Trước đó, trong buổi tiếp đón đoàn đại biểu các cấp huyện Tam Đảo viếng thăm và chúc mừng Phật đản tại Đại Bảo tháp Tây Thiên, Ni sư Trụ trì xúc động gửi gắm tâm nguyện của chư Tăng ni Phật tử cùng đồng hành với chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể trong các hoạt động an sinh xã hội, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của đạo Phật, sống tốt đời đẹp đạo, chăm lo đời sống tâm linh cho các Phật tử trong vùng, đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng phát triển quê hương, đất nước.
Trưng bày công trình sách quý “Trang bích họa Tây Tạng” – tên gốc tiếng Anh là “Murals of Tibet”.
Trong khuôn khổ ngày lễ Phật đản, tại phòng Truyền thống ngôi Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên, Ban chức sự Nhà chùa đã trân trọng trưng bày giới thiệu công trình sách quý “Trang bích họa Tây Tạng” - tên gốc tiếng Anh là “Murals of Tibet”.
Sách là tác phẩm của nhiếp ảnh gia Thomas Laird được nhà xuất bản TASCHEN của Đức xuất bản. Bảo tạng này có kích thước cực đại (SUMO) với khổ 50 x 70 cm, dày 498 trang được chia làm 6 phần và nặng 33 kg. Ấn phẩm tập hợp những bức bích họa quý giá nhất còn sót lại của nền văn hóa Phật giáo Tây Tạng.
Nhà xuất bản Taschen và tác giả Thomas Laird chỉ in tổng cộng có 998 bộ, mỗi bộ gồm 2 tập, gồm 1 cuốn sách ảnh khổ lớn (với nhiều bức được mạ vàng) và một cuốn nhỏ dày 528 trang với hình ảnh minh họa kèm theo lời chú giải của học giả. Mỗi bộ đều được trang bị kèm theo một giá để kê sách làm bằng từ gỗ của cây trúc do kiến trúc sư Shigeru Ban người Nhật thiết kế…
Thời gian tới, Ban tổ chức sẽ thực hiện cuộc triển lãm giới thiệu các Bảo tạng - kinh sách quý được lưu giữ nơi đây.