Bảo tồn di sản - góc nhìn từ một sự vinh danh
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy động tác cuốn tay trong hát Xoan.
Qua câu chuyện của nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch có thể thấy di sản - người dân - cộng đồng là thế chân kiềng không thể thiếu để giữ sự trường tồn cho di sản. Di sản chỉ thực sự sống mãi nếu luôn có người biết và nỗ lực phát huy giá trị…
Tự hào và cảm ơn tổ tiên đã để lại tài sản văn hóa
Phú Thọ có bốn phường Xoan gốc, ở tại hai xã Phượng Lâu (phường Xoan An Thái) và Kim Đức (các phường Kim Đái, Thét, Phù Đức) của thành phố Việt Trì. Đến với làng Xoan An Thái sẽ được nghe câu chuyện rằng, hát Xoan có từ thời Hùng Vương, khi đó có người con gái tên Quế Hoa hát hay, múa dẻo. Điệu múa giọng hát của nàng giúp cho hoàng hậu quên đau mà hạ sinh hoàng tử dễ dàng, Vua Hùng rất coi trọng nên truyền cho các hoàng tử, công chúa và người dân theo học. Hát Xoan được hát ở cửa đình, để chúc mừng thành hoàng trong lễ hội và cầu chúc cho dân làng quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh…
Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch sinh năm 1950, sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nối truyền hát Xoan. Ông nội và bố đều là những trùm Xoan nổi tiếng, nhiều cô, chú trong họ là kép đào tài sắc của phường Xoan. Trưởng thành trong môi trường như thế, nên bà Lịch được thừa hưởng, được bồi đắp khả năng ca hát đặc biệt với hát Xoan. Từ năm lên 9 tuổi, bà Lịch đã được ông nội và cha truyền dạy làn điệu và cho theo các cuộc trình diễn Hát Xoan trong các lễ hội ở đình. Đến năm 13 tuổi, bà chính thức được trình diễn trong lễ hội tại đình làng An Thái vào ngày mùng một tháng Giêng.
Thời đất nước có chiến tranh, lễ hội nhiều nơi không được tổ chức, nhiều thứ bị mất đi hoặc gián đoạn nhưng mạch nguồn hát Xoan ở An Thái vẫn duy trì trình diễn hàng năm vào các dịp tiệc đình. Bà Lịch cùng mọi người trong phường Xoan vẫn tự tổ chức tập luyện tại nhà trùm phường và truyền dạy cho nhau lúc bên giếng nước, khi trên cánh đồng.
Sau hòa bình năm 1975, bà Lịch khi đó mới 25 tuổi, đã tự mình thành lập một nhóm Hát Xoan gồm 15 người ở nhiều độ tuổi và bà là người truyền dạy. Việc làm của bà được nhân dân và chính quyền địa phương hết sức ủng hộ. Năm 1998, Câu lạc bộ hát Xoan An Thái - xã Phượng Lâu được thành lập. Bà Lịch được chính quyền và nhân dân tín nhiệm bầu là Chủ nhiệm câu lạc bộ. Đây là khoảng thời gian hoạt động mạnh mẽ của hát Xoan. Hát Xoan vừa được trình diễn tại các đình làng, vừa trình diễn trong các cuộc liên hoan, hội diễn văn hóa văn nghệ của tỉnh và quốc gia. Vì thế, người theo học Hát Xoan đông hơn, những gương mặt nghệ nhân Xoan sau này đều do bà Lịch truyền dạy.
Năm 2006, UBND tỉnh Phú Thọ công nhận trở lại Phường Xoan An Thái, bà Lịch được bầu là Trùm Phường và cũng là trùm Xoan là nữ duy nhất của tỉnh Phú Thọ. Bên cạnh hoạt động truyền dạy, tham gia các liên hoan văn hóa, văn nghệ, bà còn đóng góp tích cực trong xây dựng hồ sơ hát Xoan đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2012, bà được UBND tỉnh Phú Thọ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát Xoan. Năm 2015, bà là một trong 19 người am hiểu về di sản văn hóa của tỉnh Phú Thọ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Phường Xoan của bà Lịch ngày càng thu hút được sự tham gia của nhiều người yêu Xoan, từ các em nhỏ cho tới các bậc cao niên và cả du khách quốc tế. “Chúng tôi thấy tự hào và thầm cảm ơn tổ tiên đã để lại cho mình tài sản văn hóa này. Tôi đã luôn cố gắng gìn giữ, giờ có nhiều người cùng làm việc đó tôi vui lắm. Hát Xoan giúp chúng tôi gắn kết tình làng nghĩa xóm, giúp tôi biết thêm bè bạn gần xa. Hát Xoan cho tôi rất nhiều” - bà Lịch chia sẻ.
Để di sản trở thành tài sản của mỗi người dân
Được biết, sau khi hát Xoan Phú Thọ chính thức được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản. Trong những giải pháp đó, điểm nhấn là việc xem các nghệ nhân hát Xoan chính là những “báu vật nhân văn sống”, là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ di sản hát Xoan.
Trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ cho biết, song song với các giải pháp bảo tồn di sản khác, thì các chế độ chính sách đối với nghệ nhân hát Xoan và hỗ trợ vật chất, kinh phí đối với các phường Xoan được quan tâm chú trọng.
“Các nghệ nhân Hát Xoan chính là những “báu vật nhân văn sống”, là lực lượng nòng cốt trong việc bảo vệ di sản hát Xoan. Nhận thức rõ điều này, tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân. Hiện nay, toàn tỉnh đã có hơn 200 nghệ nhân có khả năng truyền dạy, trong đó có 6 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và 19 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng hằng ngày cho nghệ nhân và học viên tham gia các lớp truyền dạy, đào tạo nghệ nhân, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí nhằm gây quỹ hoạt động, tạo điều kiện để các phường Xoan tổ chức sinh hoạt, truyền dạy và mua sắm trang thiết bị”, theo ông Thủy.
Không những tạo điều kiện vật chất, tinh thần để giúp nghệ nhân gìn giữ di sản, tỉnh Phú Thọ còn tạo sân chơi cho các nghệ nhân có thêm đam mê, động lực giữ nghề. Sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” gắn với tour du lịch hằng ngày từ Hà Nội đi Phú Thọ ra mắt chính thức phục vụ du khách từ tháng 4/2018. Theo đó, các nghệ nhân và thành viên các phường Xoan biểu diễn các tiết mục hát Xoan định kỳ tại đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì) từ 14 -16 giờ hằng ngày và tại miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì) từ 14 - 16 giờ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, đồng thời gắn với các hoạt động trải nghiệm văn hóa mang đậm nét truyền thống như tham quan làng cổ, chợ quê, làm bánh chưng, bánh giầy…
Qua câu chuyện của nghệ nhân hát Xoan Nguyễn Thị Lịch và câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể nhân loại của tỉnh Phú Thọ, có thể thấy để giữ sự trường tồn cho di sản thì không thể thiếu thế chân kiềng di sản - người dân - cộng đồng. Hay nói cách khác, sẽ không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng.
Di sản tư liệu của nhân loại - những tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được phát huy giá trị trong giáo dục di sản.
Cũng cần biết rằng, quan điểm “Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng” đã được đưa vào Công ước 2003 của UNESCO đã khẳng định vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Sự tham gia chủ động, tích cực của người dân phối hợp với sự quản lý tốt của các cơ quan hữu trách trong việc thực hành, truyền dạy và bảo vệ di sản là “chìa khóa” thành công của công việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trong quá trình hiện đại hóa.
Với nhiều chuyên gia, song hành với việc vinh danh các di sản thì câu chuyện bảo tồn di sản sau vinh danh cũng nhận được nhiều quan tâm, đặc biệt là câu chuyện đối xử với các di sản đó như thế nào.
Bà Nguyễn Thị Minh Lý, người từng nhiều năm là đại diện Việt Nam trong Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể và hiện đang là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, khi nói về câu chuyện hậu vinh danh đã từng chia sẻ, di sản văn hóa phi vật thể khác di sản vật thể ở chỗ di sản phi vật thể ở trong tay con người - những chủ thể văn hóa - nếu con người không thực hành thì di sản sẽ không hiển hiện. Thực tế cho thấy, muốn bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể thì không thể thiếu chính sách dành cho nghệ nhân, những người đã và đang sống và bảo tồn chính di sản của mình. Nếu không có chính sách cho nghệ nhân thì rất khó để di sản được truyền dạy và phát huy...
Ở Việt Nam, các di sản được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp gồm: Nhã nhạc - Nhạc cung đình triều Nguyễn; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ; Hát ca trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Hát xoan Phú Thọ; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca ví, dặm ở Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; Nghệ thuật bài chòi ở Trung Bộ; Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái... Việt Nam đã có những kinh nghiệm tốt từ những di sản đã được UNESCO ghi danh như hát xoan ở Phú Thọ, với sự nỗ lực từ cộng đồng và các nhà quản lý, đã được “vực dậy” để ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp; hay Di sản tư liệu của nhân loại - những tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được phát huy giá trị trong giáo dục di sản khi những người chịu trách nhiệm quản lý di sản phối hợp tốt với ngành giáo dục…